Nhiều cách tuyên truyền giúp giảm thiểu vi phạm pháp luật ở địa bàn trọng điểm

(PLVN) -Nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, nhiều địa phương đã có những cách làm thiết thực.
Nhiều cách tuyên truyền giúp giảm thiểu vi phạm pháp luật ở địa bàn trọng điểm

Với vai trò là cơ quan đầu mối được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Đề án, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành khảo sát, nắm tình hình vi phạm pháp luật tại 75 xã, phường trọng điểm vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy, an toàn giao thông, bạo lực học đường, môi trường và các địa bàn thường xảy ra trường hợp tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại… Từ đó tìm ra cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với tình tình ở cơ sở.

Hiện nay, tỉnh có nhiều mô hình được triển khai rộng khắp các xã, phường, đạt hiệu quả rất tích cực như: “Tiếng loa an ninh” với 54.568 cuộc tuyên truyền, mô hình “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội Zalo” với hơn 1.000 lượt người quan tâm, mô hình “Tủ sách pháp luật”… Ngoài ra, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, hội thi, tọa đàm, hòa giải, trợ giúp pháp lý,mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng…Nhờ đó, giúp các tầng lớp nhân dân nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ đó hạn chế phát sinh các vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Triển khai Đề án, định kỳ hàng năm, thành phố Lạng Sơn đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn, trong đó lồng ghép nội dung thực hiện Đề án, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Theo đó, giao Công an thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, hằng năm phối hợp với Phòng Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự để tiến hành chuyển hóa. Trên cơ sở đó tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả như “Ngày pháp luật”, “Tủ sách pháp luật”, Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, Câu lạc bộ “Sức sống trẻ”, tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”...

Kết quả đã tổ chức được hơn 300 buổi tuyên truyền pháp luật với hơn 60.000 lượt người tham gia; phát hơn 7.500 tờ rơi pháp luật, vận động 90% hộ gia đình ký cam kết chấp hành pháp luật, không vi phạm các quy định về pháo, vũ khí, vật liệu nổ… Qua việc triển khai Đề án, số vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật chiếm tỷ lệ thấp; nhiều cơ quan, đơn vị không xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Đồng thời khẳng định công tác tuyên truyền, PBGDPL đóng một vai trò thiết yếu, quan trọng, góp phần chuyển hóa thành công địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tại Bình Thuận, xác định các lĩnh vực pháp luật cần tập trung tuyên truyền, phổ biến gồm quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản; trật tự an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em, tín dụng đen, mua bán người và các tệ nạn xã hội khác... Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp tỉnh đã biên soạn và phát hành 41.200 tờ rơi và 2.740 quyển Sổ tay tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ và nhân dân tại một số địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật như Mũi Né (Phan Thiết), Phan Rí Cửa, Vĩnh Tân (Tuy Phong), Phan Rí Thành (Bắc Bình)… Đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng nhiều chương trình phỏng vấn, tọa đàm, tiểu phẩm để phát sóng tại Chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Đặc biệt, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tình hình diễn biến các loại tội phạm phản động, kích động, gây rối, lợi dụng nhân dân để chống phá Nhà nước; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng, củng cố, phát huy vai trò các nhóm nòng cốt, tổ tự quản tham gia PBGDPL tại địa bàn; khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước trong đó có tiêu chí không vi phạm pháp luật…

Còn tại Quảng Bình, qua triển khai đề án, tỉnh đã xác định được các mô hình, các làm hiệu quả như: Câu lạc bộ pháp luật, Tổ Tư vấn pháp luật, tuyên truyền thông qua phiên tòa xét xử lưu động, qua các phong trào hoạt động của địa phương; thông qua tổ chức Cuộc thi trực tuyến, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”… Các hoạt động trên đã và đang phát huy vai trò tích cực, tạo điều kiện để cán bộ và nhân dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đọc thêm