Nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất hàng Việt để kích cầu tiêu dùng nội địa tại Thừa Thiên Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Tỉnh đã đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng nội địa. Ông Phan Quý Phương -Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Phan Quý Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông Phan Quý Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).

- Thưa ông, trong những năm gần đây tỉnh Thừa Thiên Huế có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa như thế nào?

- Trong những năm qua, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, ngoài những chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP,…

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh hàng Việt, cụ thể: Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 44/2021/QĐ-UBND ban hành quy chế xây dựng và quản lý, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế, Quyết định số 06/QĐ-UBND phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2022, Kế hoạch số 64/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh…

Ông Phan Quý Phương tham quan các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” (diễn ra vào 8/2023 tại Quảng Trị).

Ông Phan Quý Phương tham quan các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” (diễn ra vào 8/2023 tại Quảng Trị).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hỗ trợ các đề án gồm các nội dụng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất sản phẩm mới.

Đối với chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Đề án phát triển thị trường trong nước, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt rồi điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đồng thời, tổ chức các chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 hàng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 hàng năm, chương trình phát động Tháng bán hàng khuyến mãi tập trung hàng năm,...

- Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hỗ trợ tổ chức chuỗi các sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại cho những sản phẩm hàng Việt. Cụ thể, đó là những hỗ trợ gì, thưa ông?

- Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành và chính quyền địa phương phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm hỗ trợ về xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, cụ thể trong năm 2023 đã tổ chức các hoạt động như:

Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ diễn ra từ ngày 15/6 - 17/6/2023 theo Đề án cấp Bộ, diễn ra cùng thời điểm Hội nghị giao ban khu vực 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại Hội nghị đã có nhiều biên bản ghi nhớ, biên bản cam kết kết nối, sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh được các nhà phân phối đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã.

Hội chợ thương mại diễn ra từ ngày 5/4 - 08/4/2023 tại Hà Nội, đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp tham gia. Các mặt hàng chủ yếu gồm hạt sen, trà sen, các thành phẩm sen Huế, bánh ép, bánh in Huế, mứt thanh trà, mứt gừng sấy lạnh, các loại kẹo, mè xửng, sản phẩm từ sâm bố chính, tinh dầu các loại, nhạc cụ mỹ nghệ, chè Truồi,...

Những năm gần đây Thừa Thiên Huế có nhiều đợt trưng bày nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất hàng Việt.

Những năm gần đây Thừa Thiên Huế có nhiều đợt trưng bày nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất hàng Việt.

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm Thanh Trà, đặc sản, OCOP, thủ công mỹ nghệ của tỉnh tại thành phố Huế. Qua đó đã giới thiệu 20 gian hàng với 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh đến từ các huyện, thị xã và thành phố Huế. Với 3 ngày diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đã thu hút trên 3.000 lượt khách, doanh số bán hàng của các đơn vị đạt trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ủy quyền Sở Công Thương tổ chức các đoàn tham gia các Hội chợ giao thương kết nối tại Đà Nẵng vào đầu tháng 8/2023, đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia.

Song song với việc tổ chức các chương trình hội chợ thương mại, hội nghị kết nối, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đến tháng 10/2023, Sở đã tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà; xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.

Trong những năm gần đây, UBND tỉnh cũng đã giao các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam tại Cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm và 1 Điểm bán hàng Việt tại cửa hàng tiện lợi thuộc Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt. Đồng thời hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Thiên Hương, hỗ trợ xây dựng 1 Trung tâm và 3 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Quảng Điền. Năm 2023, Sở hỗ trợ xây dựng 1 Điểm bán hàng Việt tại UBND thị xã Hương Trà.

TP Huế cũng là nơi tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

TP Huế cũng là nơi tổ chức nhiều hội nghị kết nối giao thương nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện xúc tiến thương mại (XTTM) của tỉnh trong 9 tháng đầu năm và những sự kiện nào nổi bật trong những tháng cuối năm, thưa ông?

- Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động XTTM tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung XTTM. Đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động XTTM của tỉnh mang lại. Qua đó, góp phần tăng cường nhận thức về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu và chủ động hội nhập quốc tế.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạo cho doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Từ đó, có chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

Những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tổ chức chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP tỉnh vào các hệ thống siêu thị GO!, Coopmart, Winmart. Tổ chức một số chương trình, hội nghị kết nối giao thương sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ trong tỉnh. Tổ chức các chương trình kích cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm, Tết Nguyên đán 2024.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm