Nhiều “đặc cách” trong bổ nhiệm Chấp hành viên

(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên, Luật Thi hành án dân sự hiện hành chưa bao quát hết những trường hợp đặc biệt cần phải bổ nhiệm ngay hoặc không qua thi tuyển. Dự thảo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi sẽ khắc phục bất cập này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vẫn còn tình trạng quá tải công việc
Tổng kết Luật Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đánh giá với quy định mới của Luật, chức danh Chấp hành viên được bổ nhiệm không thời hạn trên cơ sở kết quả thi tuyển và với ngạch Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp đã góp phần khẳng định vị thế của Chấp hành viên và giảm bớt thủ tục hành chính do tuyển chọn, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 05 năm mà trước đây đã thực hiện. Một số chức danh được bổ nhiệm phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự, như: Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án dân sự. 
Tuy nhiên, công tác tuyển dụng công chức vào ngành thi hành án dân sự vẫn còn chậm, việc bổ nhiệm các chức danh Chấp hành viên, Thẩm tra viên còn hạn chế. Tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, không thu hút được người có năng lực, quá tải công việc của Chấp hành viên tại nhiều cơ quan thi hành án dân sự địa phương, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thiếu Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, nhất là cấp huyện chưa được khắc phục triệt để.
Một trong những lý do của bất cập nói trên là do nhiều quy định của Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có quy định liên quan đến tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm Chấp hành viên. Cụ thể, Luật chưa đề cập đến một số trường hợp “đặc biệt” có thể được đặc cách (như bổ nhiệm ngay lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự hoặc bổ nhiệm không qua thi tuyển với những địa phương khó khăn trong tìm nguồn cán bộ...). 
Làm việc 5 năm ở miền núi được bổ nhiệm không qua thi tuyển
Khắc phục những bất cập này, Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện bổ nhiệm Chấp hành viên theo hướng mở rộng diện bổ nhiệm. Theo đó, những người đã là Chấp hành viên sau đó được điều động, luân chuyển, biệt phái ở các đơn vị khác thì có thể bổ nhiệm lại làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển hoặc những người trong, ngoài hệ thống tổ chức thi hành án có đủ điều kiện quy định của Luật thì được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương.
Trong trường hợp đặc biệt, do yêu cầu tổ chức phải bổ nhiệm ngay Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, người có đủ các điều kiện theo quy định được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp ở ngạch tương đương hoặc ở ngạch cao hơn không qua thi tuyển, bao gồm: Bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với những người có 03 năm làm công tác pháp luật trở lên và được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; Bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp đối với những người có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;  bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp đối với những người có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Đặc biệt, Dự luật quy định: Người có đủ điều kiện theo quy định, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Chính phủ sẽ quy định danh sách các cơ quan thi hành án dân sự thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Như vậy, nếu được thông qua, quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc bổ nhiệm Chấp hành viên cho một số tỉnh khó khăn về nguồn tuyển dụng cán bộ.

Đọc thêm