Nhiều đại biểu tán thành giao Tổng Liên đoàn xây nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 26/10, bên cạnh một số đại biểu không đồng ý thì nhiều đại biểu tán thành phương án quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 26/10. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc chiều 26/10. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Trao đổi về sự cần thiết để giao cho tổ chức Công đoàn thực hiện xây nhà ở xã hội, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) phân tích, việc giao cho tổ chức Công đoàn thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê và nhà lưu trú cho công nhân lao động đáp ứng được cả ba căn cứ: về mặt chính trị, về mặt pháp lý cũng như về mặt thực tiễn.

Về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 02 ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam có yêu cầu: “Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở”.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Về căn cứ thực tiễn, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện vấn đề này. Bên cạnh đó, Công đoàn của chúng ta là một tổ chức chính trị xã hội có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và Công đoàn đang đứng trước sức ép rất lớn.

Ngoài hai hiệp định thương mại tự do chúng ta đã phê chuẩn là CPTPP và FFTA, hiện nay, chúng ta đang tham gia khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (SPEF), đây là khuôn khổ mới do Hoa Kỳ khởi xướng và có 4 trụ cột chính đều có những yêu cầu rất khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức Công đoàn.

Vì vậy, Đại biểu Nghĩa cho rằng, cần thiết phải để cho tổ chức Công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình và nguồn tài chính như trong Dự thảo Luật phân bổ cũng là nguồn tài chính Công đoàn, nằm ngoài ngân sách nhà nước.

Đối với các ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, theo ông Nghĩa, Công đoàn sẽ thành lập một pháp nhân phi lợi nhuận, có thể là ban quản lý. Không những thế, hoạt động ở đây chỉ giới hạn cho hoạt động cho thuê, tức cho thuê và không phát sinh lợi nhuận, không nằm trong khái niệm kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Theo Đại biểu, đây không phải hoạt động kinh doanh, mà là hoạt động thể hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đối với các thành viên của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng tán thành phương án quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, cho người lao động thuê. Theo Đại biểu, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Tuy nhiên, Điều 80 Dự thảo Luật lại quy định: “Cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê”. Như vậy, đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư lại thu hẹp hơn so với các đối tượng cũng được quy định tại Điều 76 Dự thảo Luật.

Theo Đại biểu, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư. Bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nếu như công nhân, người lao động có nhu cầu chưa thuê hết thì nhà ở cho thuê vẫn thừa mà rất nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê, do không thuộc đối tượng công nhân và người lao động.

Vì vậy, để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động, nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả việc đầu tư nhà ở xã hội. Đại biểu Nga đề nghị, chỉ nên quy định các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân và người lao động thuê. Bên cạnh đó, cần phải quy định các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và có dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn có dự án.

Đọc thêm