Nhiều dấu hiệu oan sai trong vụ “ra quyết định trái pháp luật” tại Thái Nguyên

(PLO) - Sau khi mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Quang Hợp (nguyên Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) về tội "Ra quyết định trái pháp luật", HĐXX sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo đó, cần làm rõ 12 mảnh đất mà bị cáo Hợp đã ký lệnh hủy bỏ lệnh kê biên thì tài sản nào là vật chứng trong vụ án hình sự của vợ chồng Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, tài sản nào là của vợ chồng này? 
Khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh ở tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên.
Khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh ở tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên.

Với tài liệu hiện có và theo kết quả điều tra bổ sung mới đây, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Hợp tái khẳng định, tại thời điểm CQĐT có lệnh kê biên thì 12 thửa đất trên không còn là tài sản của vợ chồng Quỳnh Anh nữa. Đây cũng không phải là vật chứng nên nếu CQĐT đã “trót” kê biên thì việc Viện kiểm sát hủy bỏ lệnh kê biên là điều cần thiết và đúng luật. 

Bị can có tài sản trước khi thực hiện hành vi phạm tội

Như PLVN đã từng thông tin, vào cuối năm 2009, trong quá trình điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với vợ chồng bị can Quỳnh Anh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra lệnh kê biên một số tài sản. 

Tuy nhiên, một số nhà đất trong số tài sản bị kê biên nêu trên đã được vợ chồng Quỳnh Anh viết giấy bán cho ông Dương Văn Bắc và ông Nguyễn Quốc Dũng từ trước khi khởi tố vụ án. Khi bên mua đang làm thủ tục sang tên thì CQĐT có văn bản đề nghị UBND TP Thái Nguyên tạm dừng việc chuyển nhượng. Vì vậy, khi tiếp nhận hồ sơ vụ án ở giai đoạn truy tố, ông Hợp đã ký 3 quyết định hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT để trả 12 thửa đất đất và tài sản trên đất (Khu tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh) ở tổ 17, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên cho ông Dương Văn Bắc; trả nhà đất tại tổ 12, phường Tân Thành, TP Thái Nguyên cho ông Nguyễn Quốc Dũng. 

Cho rằng việc ký quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản là trái quy định, tạo điều kiện cho vợ chồng Quỳnh Anh tẩu tán tài sản, làm cho các bị hại  mất quyền được bồi thường, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố bị can Hợp về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

Trong giai đoạn bị điều tra, truy tố cũng như tại phiên tòa sơ thẩm ngày 6/2/2018, bị cáo Hợp liên tục khẳng định việc mình hủy bỏ lệnh kê biên là đúng luật, trên cơ sở đề xuất của cấp dưới chứ không hề “chỉ đạo” trái với đề xuất của cấp dưới. Việc hủy lệnh kê biên tài sản (không phải là vật chứng) là cần thiết  nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông Bắc và ông Dũng- là những người đã mua tài sản một cách hợp pháp.

Tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bị án Quỳnh Anh cho biết, 12 thửa đất được mua từ nguồn tiền vay ngân hàng vào năm 2006. Còn khu tiệc cưới (tức khu Tổ hợp dịch vụ Quỳnh Anh) được xây dựng bằng nguồn tiền vay tại Agribank Định Hóa (tài sản thế chấp chính là 12 thửa đất).

Chồng Quỳnh Anh là Võ Khánh Dương còn cho biết thêm, từ tháng 3/2008 thì họ mới bắt đầu vay tiền của 27 bị hại với lãi suất cao. Thực chất là vay của người này để trả cho người khác và sau đó thì mất khả năng thanh toán.

Trong khi đó, KLĐT bổ sung mới đây cũng thể hiện, 12 thửa đất đã được vợ chồng Quỳnh Anh thế chấp vay tiền tại Agribank, Chi nhánh Định Hóa vào ngày 16/ 11/2007.

 Với lời khai và kết quả điều tra bổ sung như trên, một số luật sư bào chữa cho bị cáo Hợp tiếp tục khẳng định, 12 thửa đất và tài sản trên đất hình thành trước khi vợ chồng Quỳnh Anh có hành vi chiếm đoạt tài sản của 27 bị hại thì nó không thể là tài sản do phạm tội mà có, tức là không phải vật chứng của vụ án.

Nhiều nhà đất đã bán hoặc gán nợ, vì sao không bị kê biên?

Ngoài ra, hồ sơ vụ án còn cho thấy, vào ngày 7/11/2008 (tức là trước khi CQĐT có lệnh kê biên 1 tháng và trước khi vụ án được khởi tố 4 ngày) thì giữa vợ chồng Quỳnh Anh và ông Dương Văn Bắc đã thiết lập hợp đồng chuyển nhượng đất và công trình trên đất (được chứng thực tại UBND phường Phan Đình Phùng). Ông Bắc đã thanh toán tiền cho vợ chồng Quỳnh Anh bằng cách chuyển hơn 8,3 tỷ đồng vào Agribank Định Hóa vào ngày 6/11/2008 để giải chấp, rút sổ đỏ nhằm hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng (có sự đồng ý của Agribank Định Hóa).

Tại phiên tòa ngày 6/2/2018, Quỳnh Anh nêu thắc mắc, “có rất nhiều nhà, đất mà vợ chồng tôi đã bị ép viết giấy bán hoặc ép gán nợ cho một số người với giá thấp, tại sao không được xem xét? Còn việc vợ chồng tôi chuyển nhượng đất cho ông Bắc là hoàn toàn tự nguyện, không có tranh chấp, thắc mắc gì”. 

Các LS đều cho rằng việc chuyển nhượng nhà đất cho ông Bắc như trên là ngay tình, bình đẳng, tự nguyện theo đúng quy định. Tại thời điểm CQĐT có lệnh kê biên thì ông Bắc đã là người quản lý, chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản đã mua. Quan trọng hơn, cho đến nay không có ai khởi kiện tranh chấp và cũng không có bản án, quyết định nào của Tòa án khẳng định quan hệ mua bán trên là vô hiệu. Vì vậy, không thể nói các hợp đồng trên là “vô giá trị” được. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 129 BLDS 2015 thì nếu có yêu cầu khởi kiện thì Tòa cũng sẽ công nhận hiệu lực của giao dịch này. Như vậy, việc kê biên một tài sản không phải là vật chứng, không phải là tài sản của bị can như trên là không đúng. Tức là việc ông Hợp ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên là hoàn toàn đúng căn cứ, thẩm quyền. 

Không có chứng cứ về việc chỉ đạo “ngược” quan điểm của cấp dưới

Theo KLĐT và Cáo trạng, ở giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên (KSV) đã có đề xuất chuyển tài sản và vật chứng đã được CQĐT kê biên đến Tòa án để giải quyết theo thẩm quyền nhưng bị can Hợp vẫn chỉ đạo “ngược” với đề xuất này, yêu cầu cấp dưới làm thủ tục, ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên của CQĐT. 

Tuy nhiên, theo các LS thì hồ sơ vụ án hiện nay không có chứng cứ nào thể hiện KSV có văn bản đề xuất về việc “chuyển tài sản kê biên sang Tòa” như cáo buộc. Trái lại, các chứng cứ còn cho thấy, việc bị can Hợp hủy lệnh kê biên như trên là quan điểm thống nhất của tập thể (từ KSV thụ lý chính, lãnh đạo phòng và lãnh đạo Viện) theo đúng quy chế làm việc.

Ngay tại KLĐT bổ sung mới đây, CQĐT VKSND Tối cao cũng thừa nhận: về bản chất, nội dung Báo cáo tổng hợp của KSV không có phần đề xuất xử lý vật chứng, tài sản. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn “giữ nguyên KLĐT” với cáo buộc rằng, bị can Hợp đã chỉ đạo “ngược” đề xuất của KSV.

Đọc thêm