Theo đó AVR cho rằng, hiện vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng và thống nhất về khái niệm “ngành phân phối” ở nước ta. Tuy nhiên nếu tham khảo phân loại của Tổ chức Thương mại thế giới thì “phân phối” là ngành dịch vụ bao gồm 04 phân ngành: Bán buôn - Bán lẻ - Nhượng quyền thương mại và Đại lý.
Vì vậy, việc Dự thảo Nghị định muốn xây dựng chính sách cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các nội dung hiện tại của Dự thảo chưa có phân tích nào về toàn bộ hệ thống phân phối mà mới có chi tiết ở vài hình thức như chợ, siêu thị.
Với nội dung quy định về hình thức “chợ”, theo AVR cần phải cân nhắc về quy định “đơn vị kinh doanh phải lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Bởi, AVR cho rằng, tiêu chí và thủ tục để có được giấy phép từ chính quyền như thế nào, liệu có khả năng đây sẽ là một loại “giấy phép con” hay không?
Ngoài ra, theo AVR, dự thảo này cũng nêu “những người thuộc diện sản xuất nhỏ, tự tiêu thụ sản phẩm của mình như nông dân, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ, hàng rong, quà vặt được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực dành riêng cho người kinh doanh không thường xuyên” sẽ đồng nghĩa với việc tạo thêm gánh nặng trong thực tế cho các nhà đầu tư khai thác chợ.
Không chỉ đóng góp về các quy định liên quan đến “chợ”, AVR còn cho rằng, trong dự thảo còn nhiều điều khoản bất cập, không hợp lý về siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) như quy định “siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2- 10.000m2”.
Theo AVR, đây là quy định không thực tế và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của DN bán lẻ. Và cũng không nên quy định “trần” diện tích cho siêu thị vì có nhiều trường hợp các siêu thị lớn hơn 10.000m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào TTTM thì sẽ được phân loại vào loại hình nào?
Đánh giá rằng dự thảo mới về ngành phân phối này có tính đến sự phát triển của DN nhỏ và vừa khi quy định “Phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các DN nhỏ và vừa của Việt Nam” nhưng AVR vẫn cho rằng cần phải cân nhắc tỷ lệ vì có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm các nhà cung cấp có sản phẩm chất lượng và cạnh tranh tương xứng với yêu cầu của siêu thị, TTTM.
Trước các ý kiến nêu trên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận mọi góp ý đối với đề nghị xây dựng dự thảo này và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản QPPL.