Theo Hội tư vấn thuế Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2012, cả nước có 935 người được cấp chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ về thủ tục thuế, nhưng chỉ có 195 người làm việc tại 83 đại lý thuế (ĐLT) còn lại đang làm việc tại các công ty chưa có đăng ký hành nghề.
Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ có ít nhất 3.000 ĐLT được thành lập, đến giai đoạn 2016-2020 sẽ có ít nhất 8.000 ĐLT...
Ảnh minh họa. |
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực hoạt động và phát triển Hệ thống ĐLT ở Việt Nam” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, Trưởng Ban cải cách - Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến đã thông báo một số nội dung sửa đổi Thông tư 28/2008/TT-BTC ngày 4/3/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký hành nghề và quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Theo đó, sẽ "nới lỏng" nhiều qui định, chính sách nhằm hỗ trợ ĐLT phát triển, từ việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; mở rộng đối tượng tham gia ĐLT... đến cơ chế giám sát ĐLT hoạt động.
Cụ thể, theo bản dự thảo Thông tư vừa được đưa ra lấy ý kiến, nhân viên ĐLT phải có đủ các điều kiện: Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài được phép sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong thời hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký làm việc tại ĐLT; Có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do cơ quan thuế cấp (trường hợp người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế không hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký làm việc tại ĐLT thì phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình cập nhật kiến thức được cấp trong thời hạn 1 năm trở lại tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký); Là thành viên sáng lập hoặc có hợp đồng lao động làm việc trong tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Dự thảo cũng lưu ý: Tại một thời điểm, người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế tại một ĐLT.
Để được làm ĐLT phải có đầy đủ 3 điều kiện cũng khá đơn giản: Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; Có ngành, nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Có ít nhất 2 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.
Người dự thi lấy Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, ngoài điều kiện về hoàn thiện hồ sơ thủ tục, không thuộc đối tượng không được làm nhân viên ĐLT thì chỉ cần có bằng cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ 2 năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ.
Nội dung thi cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế bao gồm 3 môn thi: Pháp luật về thuến Thủ tục về thuế và Kế toán (kiến thức thi tương đương với trình độ cao đẳng). Đặc biệt Dự thảo cũng quy định các trường hợp cụ thể được miễn các môn thi, như trường hợp đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán, Chứng chỉ kiểm toán viên bẳng kế toán; trường hợp đã là công chức thuế, trường hợp đã làm việc trong lĩnh vực kế toán, trường hợp đã làm giảng viên của môn học về thuế hoặc kế toán...
Dự thảo Thông tư cũng quy định rất rõ về việc xử lý vi phạm, đối với các ĐLT, nhân viên ĐLT. ...
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 250 công ty kiểm toán, tư vấn tài chính, kế toán, thuế nhưng đến tháng 3/2012 chỉ có 83 công ty được Tổng cục Thuế xác nhận đăng ký hành nghề ĐLT. Trong đó, chỉ có Deloitte thuộc công ty lớn, còn lại hầu hết là công ty nhỏ, thậm chí có 8 đơn vị không có doanh thu từ dịch vụ kê khai thuế nhưng có doanh thu từ dịch vụ tài chính, thuế và khác; 6 đơn vị chưa có doanh thu từ mọi hoạt động. Nguyên nhân khiến các ĐLT phát triển chậm tại Việt Nam, theo bà Cúc, chủ yếu là do người nộp thuế chưa hiểu biết nhiều về ĐLT trong khi ĐLT chưa chứng tỏ được trình độ nghiệp vụ để tạo dựng niềm tin, uy tín với người nộp thuế. |
T.Lan