|
Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh bị người dân chỉ ra hàng loạt vi phạm |
Dự án xây dựng Đại học Quốc gia TP.HCM (Dự án) đã có một loạt vi phạm như: áp dụng Luật Đất đai hết thời hiệu; áp dụng văn bản dưới luật hết thời hiệu; UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 1969 ngày 02/06/2003 trước 15 ngày so với Quyết định 660/QĐ.TTg ngày 17/06/2003 trái với quy định của pháp luật. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền lại tránh né, “lách luật” khi không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân.
Thêm vào đó, người dân còn phát hiện UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi thừa 47,95ha đất. Qua tìm hiểu người dân được biết, diện tích đất bị thu hồi dư 47,95 ha mục đích để làm bệnh viện. Tuy nhiên, văn bản gần đây nhất là Quyết định 409 ngày 21/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng không có danh mục nào trong quy hoạch chi tiết thể hiện là có việc xây dựng bệnh viện trong Dự án. Do đó, nếu không có quyết định thu hồi bổ sung hay điều chỉnh của Thủ tướng thì tại sao phải thu hồi thêm 47,95ha đất của dân? Phải chăng đây chỉ là sự ngụy biện nhằm bao che cho những hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Mặt khác, nhiều hộ dân nằm ngoài quy hoạch cũng bị Đại học Quốc gia TP.HCM chiếm dụng như trường hợp của ông Huỳnh Văn A, ông Nguyễn Văn Hoàng… nhưng khi người dân khiếu nại thì không được giải quyết thỏa đáng.
Một điều đáng nói nữa là Dự án đến nay đã 10 năm nhưng chưa có đất tái định cư cho người dân, song chính quyền đưa ra thuật ngữ “nhận tiền thay đất” là nhằm mục đích hạn chế quyền của người dân, bởi trên thực tế gần như toàn bộ người dân chỉ có một sự lựa chọn duy nhất đó là nhận tiền.
Ngoài ra, chính sách bồi thường giá trị quyền sử dụng đất quá thấp so với giá thị trường ở địa phương; cùng một trường hợp như nhau nhưng người thì được hưởng tái định cư 100m2 đất và hỗ trợ thêm mỗi suất 15 triệu đồng và những chính sách hỗ trợ khác, người thì không được…
Người dân bị lừa?
Một số người dân cho biết, với giá đền bù quá thấp nên ngay từ đầu họ đã không đồng ý nhận, nhưng tại Văn bản 1071/UB.KT do bà Nguyễn Thị Điền (thời điểm này bà Điền là Chủ tịch UBND huyện Dĩ An) ký ngày 3/11/2004 đã khẳng định: Nếu sau này có quyết định mới hoặc quyết định bổ sung của UBND tỉnh thì Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện sẽ áp giá mới bổ sung cho chủ tài sản”, nên người dân mới tin tưởng và chấp hành giao đất cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước thực hiện Dự án. Thế nhưng đến nay, chính quyền lại không thực thiện cam kết, chẳng khác nào người dân đã bị lừa.
Cuối tháng 9/2014, UBND tỉnh Bình Dương mời người dân đến để đối thoại, nhưng không đạt được sự thống nhất nên quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét giải quyết triệt để nhằm chấm dứt khiếu kiện kéo dài.
Ngày 19/11/2013, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có Văn bản 1316 gửi Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết, trả lời người khiếu nại và thông báo bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban T.ƯMTTQ Việt Nam. Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 10370 ngày 6/12/2013 gửi UBND tỉnh Bình Dương đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết đơn của công dân; Ban Nội chính Trung ương cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật…