Nhiều trẻ bị tổn thương não do bác sỹ tắc trách?!

(PLO) - Liên quan đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn, chúng tôi tiếp cận được thêm 2 trường hợp bị nghi ngờ do sai sót, thiếu trách nhiệm của Bệnh viện dẫn đến việc các cháu bé đều bất thường sau sinh: một cháu bé 7 tháng tuổi cổ oặt ẹo, chưa có một tiếng khóc; 1 cháu bé 19 tháng tuổi thì chỉ nằm, cứ nghiêng người là mắt trắng dã...
lChị Lành Thị Hạnh bế cháu nhỏ trên tay.
lChị Lành Thị Hạnh bế cháu nhỏ trên tay.
“Không bao giờ em dám đẻ ở đấy nữa” 
Chị Lành Thị Hạnh (20 tuổi, thôn Nguộn Ngoài, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) kể, khi mang thai cháu Nguyễn Tiến Hùng được 9 tháng, chị Hạnh thấy đau bụng, mẹ chồng đưa lên Bệnh viện (BV) Lục Ngạn thì được các bác sĩ thông báo chưa chuyển dạ, con còn non nên đề nghị tiêm thuốc giữ thai cho đủ 9 tháng 10 ngày đẻ cho chắc chắn. Gia đình có ý kiến: “Các bác sĩ thấy điều gì tốt thì làm cho cháu”. 
Nhưng quá 9 tháng 10 ngày mà chị Hạnh không thấy đau bụng, đến tuần thứ 43, gia đình quyết định xuống viện và xin được ở lại để theo dõi. Ở viện được 3 ngày thì bác sĩ thông báo đã chuyển dạ, cho đẻ chỉ huy. 9h sáng tiêm kích thuốc, chị Hạnh thấy hơi đau, các bác sĩ thông báo đã mở được 1,5 phân và bấm vỡ ối. Một giờ sau có cơn đau dồn dập nhưng sau 2 giờ thì chị Hạnh không thấy đau nữa, các bác sĩ vẫn không đưa sản phụ đi mổ đẻ. 
Kể đến đây, người mẹ nghẹn lại, nhìn đứa con đang ngơ ngác trong lòng mình, chị ôm chặt con rồi kể tiếp: “Gia đình tôi xin mổ nhưng các bác sĩ bảo đẻ thường tốt nhất. Và cuộc đẻ của tôi kéo dài từ 9h sáng đến đến tận 11h đêm cháu bé mới được chào đời. Cháu ọ ẹ được 2 giờ là được đưa đi cấp cứu luôn”. 
Chị Hạnh khẳng định: “Họ thiếu chuyên môn ở chỗ, cổ tử cung của tôi mới mở 1,5 phân đã bấm ối rồi. Chính bác sĩ Dũng bảo “mở 1,5 phân rồi, bấm vỡ ối đi”. Nữ hộ sinh đi tìm không thấy dụng cụ, phải mất một lúc sau bác sĩ Oanh đi tìm mới thấy. Khi con tôi vừa đẻ ra, bác sĩ Trưởng khoa Nhi phải xuống bóp bóng, cấp cứu cho con. Bà ngoại bảo cháu bị giập môi, không nhìn thấy cằm đâu, bây giờ mới nhìn thấy cằm một ít thôi. 
“Thật sự tôi không bao giờ dám đến đây đẻ nữa” – chị Hạnh nói rồi lại ôm con, cảm giác như chị đang rất hối hận vì để con phải chịu đựng cảnh sống như vậy. 
Mẹ chồng chị Hạnh (bà Vương Thị Thủy) cho biết thêm: “Thấy cháu co giật, tôi có phản ánh với bác sĩ, sau đó xin cho cháu chuyển tuyến. Cháu ở lại Viện Sản Nhi Bắc Giang mấy tiếng thì gia đình lại xin đi Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Lúc ấy vì quá sốt ruột trong việc cứu chữa cho cháu nên gia đình không để ý đến bất kỳ một việc gì khác ngoài việc nghe lời các bác sĩ và chăm cho cháu. 
Nhưng đến bây giờ, cháu đã 7 tháng tuổi mà chưa có bất kỳ một tiếng khóc nào. Cổ thì oặt oẹo như một cái dây, không thể đỡ được đầu. Ở BV Nhi, bác sĩ bảo cháu bị ngạt trong khi đẻ, gây ảnh hưởng đến não, sau này nó sẽ không bình thường, gia đình có kiện không nhưng mình nghĩ kiện cũng không mang lại kết quả nên thôi”. 
Giấy chuyển viện của con chị Hạnh
Giấy chuyển viện của con chị Hạnh 
Lục tìm lại hồ sơ của cháu bé, chúng tôi tìm được một giấy chuyển viện từ BV Sản Nhi Bắc Giang lên BV Nhi TW. Trong giấy chuyển viện có ghi rõ: “Dấu hiệu lâm sàng: trẻ li bì, thở máy, tăng trương lực cơ toàn thân, đặc điểm thai già tháng. Chẩn đoán: tổn thương não do đẻ ngạt”. 
Bác sĩ trả lại… quà cảm ơn của bệnh nhân
Chúng tôi tiếp tục tìm về nhà anh Nguyễn Đức Khang - chị Đặng Thị Ánh (thôn Tân Thành, xã Kiên Thành, Lục Ngạn) thì được biết, cháu Nguyễn Đức Anh Trí (trong giấy chứng sinh và giấy chuyển viện đề tên Nguyễn Đức Thắng, sau đó gia đình về khai sinh thì đổi tên cho cháu như trên - PV), sinh ngày 11/10/2013 và đến giờ vẫn không biết khóc. Bà nội cháu bé vẫn nhớ như in ngày đưa con dâu đi đẻ. Bà kể: “Gia đình đã lên xin mổ vì thai to (dự đoán khoảng 4 kg - PV) nhưng BV bảo mẹ cháu xương chậu to, đẻ thường được. Gia đình cũng tin tưởng bác sĩ. 
Chị Ánh đau bụng từ tối, bác sĩ khám cho biết tử cung chưa mở nên cho về, nhưng đến 1h đêm chị Ánh đau bụng quá lại vào viện, đến 11h trưa hôm sau thì đẻ. Cháu bé ra đời được 40 phút, bác sĩ bảo cháu không khóc được. Qua một đêm thì cháu bị sốt, BV có hỏi gia đình tôi có cho cháu bé chuyển viện không nhưng tôi nghĩ mẹ nó còn yếu, cứ ở lại xem thế nào. Nhưng ngày hôm sau, tình hình không tiến triển, gia đình xin đi, BV lại kêu thiếu bình oxy, không có xe. Chúng tôi phải tự thuê xe, thuê cả bình oxy để đưa cháu chuyển viện” .
Bà nội bé cho biết thêm: “Có một chuyện lạ là trước khi đẻ, gia đình đã có cảm ơn bác sĩ nhưng sau khi đẻ xong thì thấy các bác sĩ trả lại, không lấy một đồng nào. Gia đình tôi thấy lạ nhưng vì đang mải lo cho con, cho cháu nên không để ý gì. Lên tuyến trên thì có nghe nói là do quá trình đỡ đẻ làm ảnh hưởng đến cháu. Trên ấy họ bảo tiêm thuốc gì đó để cho cháu khỏi chảy máu não, gia đình cũng đồng ý. Nhưng ở đấy cháu vẫn không khóc, ăn ít, chuyển lên BV Nhi TW cũng không tìm ra nguyên nhân gì. 
Sổ khám bệnh của bé Anh Trí
Sổ khám bệnh của bé Anh Trí 
Nhà tôi cũng muốn kiện BV nhưng không có ai quen, cũng nghĩ là kiện không được nên lặng lẽ nuôi cháu. Bây giờ cháu chỉ nằm một chỗ, ngồi không được vì khẽ nghiêng người cháu thì mắt cháu trắng dã, trợn lên, rồi thở từng tiếng rất khó nhọc, tiếng thở to, lõm cả lồng ngực, cổ họng”. 
Hồ sơ chuyển viện của bé Đức Thắng ghi: “Dấu hiệu lâm sàng: Trẻ đủ tháng, sau đẻ ngạt tại BV huyện, vào Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ li bì, không có phản xạ, khó thở gắng sức, da tái, trương lực cơ tăng liên tục. Chẩn đoán: tổn thương não sau đẻ ngạt”. 
Trách nhiệm của bác sĩ như thế nào?
Chúng tôi hỏi ý kiến của bác sĩ Lê Thị Kim Dung (phụ trách Khoa Sản, Trung tâm Y tế Lao động) về những trường hợp trên thì được biết, với những thông tin này chưa đủ để kết luận nguyên nhân có đúng do BV đỡ đẻ gây ra hay không. Bởi nếu để kết luận thì cần phải tiếp cận được hồ sơ bệnh án của quá trình sinh đẻ. 
Nhưng tôi cũng lo lắng rằng khi tiếp cận được cũng không thể kết luận vì hồ sơ bệnh án thường được các bác sĩ ghi rất đơn giản. Nếu có những trường hợp ngẫu nhiên như thế thì rất cần những nghiên cứu, kiểm tra cụ thể để tìm ra nguyên nhân. 
Quá trình thu thập thông tin cho bài phóng sự điều tra, nghiên cứu hồ sơ phóng viên thấy rất nhiều điểm trùng hợp: tổn thương não do đẻ ngạt, bé sơ sinh bị tăng trương lực cơ… 
Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng như Thanh tra Sở Y tế, Bộ Y tế và các ngành liên quan vào cuộc để tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân, có những kết luận cụ thể để người dân không sợ hãi khi bước chân vào Khoa Sản, BV Đa khoa khu vực Lục Ngạn. 
PLVN sẽ tiếp tục đưa tin về vấn đề này.../.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm