Bên cạnh đó, sẽ góp phần bảo đảm tính kịp thời, chính xác, thống nhất của các thông tin về nhân thân của cá nhân, hạn chế việc gây phiền hà, khó khăn cho người dân, đồng thời phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm y tế.
Theo Đề án, người dân có thể lựa chọn việc thực hiện riêng biệt từng TTHC như hiện nay hoặc có thể yêu cầu thực hiện liên thông các TTHC. Khi thực hiện liên thông, người dân chỉ phải đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã để nộp một bộ hồ sơ và sẽ được nhận nhiều kết quả giải quyết TTHC tại nơi nộp hồ sơ.
Như vậy, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ đến các cơ quan Công an, Bảo hiểm để giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của cơ quan mình. Các cơ quan sẽ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC về UBND cấp xã để tra kết quả giải quyết các TTHC được thực hiện liên thông.
Để phát huy tính hiệu quả của Đề án, các Bộ, ngành Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội phải từng bước nâng cao chất lượng giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của ngành mình. Muốn vậy, các Bộ, ngành và UBND các cấp cần triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện liên thông các TTHC này để nhân rộng trong toàn quốc cũng như chỉ đạo tổ chức và tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện liên thông ngay sau khi thông tư liên tịch được ký ban hành.
Các Bộ, ngành Công an, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ liên thông các TTHC trong phạm vi chức năng của ngành mình và chủ trì phối hợp hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm ngân sách nhà nước, đảm bảo chế độ chính sách cho công chức làm việc tại bộ phận một cửa.
UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp dưới triển khai Đề án, tổ chức tập huấn, kiểm tra việc thực hiện, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai và bố trí kinh phí tổ chức thực hiện liên thông tại địa phương. UBND cấp xã là cơ quan trực tiếp làm liên thông các TTHC cần đặc biệt quan tâm bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, công khai quy trình liên thông để người dân biết và thực hiện.