Theo khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 quy định: “Người phải thi hành án phải thi hành ngay bản án, quyết định quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án”; “Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án”.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định: “Khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Nội dung thông báo nêu rõ thời hạn tự nguyện, trách nhiệm tổ chức thi hành án, việc xử lý trách nhiệm nếu không chấp hành án. Đối với bản án, quyết định của Tòa án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng Hành chính thì phải ra ngay thông báo về việc tự nguyện thi hành án”.
Tuy nhiên, quy định thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận bản án, quyết định gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc theo dõi THAHC bởi khó xác định thời hạn tự nguyện thi hành án bắt đầu và kết thúc vào lúc nào vì không biết chính xác thời điểm người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án.
Từ đó, có thể xảy ra trường hợp người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định của Tòa án trước khi Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS. Như vậy, khi nhận được thông báo tự nguyện thi hành án thì có thể người phải thi hành đã thi hành án xong hoặc gần xong. Hoặc trường hợp khác là người phải thi hành án nhận được bản án, quyết định sau thời điểm cơ quan THADS ra thông báo tự nguyện thi hành án nên không thể tổ chức việc thi hành án theo thông báo mà phải chờ Tòa án chuyển giao bản án, quyết định. Cả hai trường hợp đều gây khó khăn cho việc theo dõi THAHC đồng thời khi Tòa án tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án sẽ khó khăn trong việc xác định thời hạn tự nguyện thi hành án đã hết hay chưa.
Trong các vụ án hành chính phát sinh, phần lớn người phải thi hành là Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các Sở, ngành hoặc tương đương nên quá trình theo dõi việc THAHC có phần khó khăn cho các cơ quan THADS trong việc thông báo, tống đạt thông báo tự nguyện thi hành án và lập biên bản về buộc THAHC theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ. Hầu hết các Chấp hành viên có tâm lý e ngại trong việc lập biên bản hoặc đề nghị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng nội dung bản án, quyết định vì theo quy định tại Điều 173, Điều 174 Luật THADS, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Trưởng ban chỉ đạo THADS; định kỳ hàng quý, hàng năm, cơ quan THADS phải báo cáo kết quả thi hành án cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngoài ra, việc chưa hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục tiến hành THAHC cũng gây không ít khó khăn cho công tác thi hành án. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án và theo quy định của pháp luật… Trường hợp quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều bản án chỉ tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính mà không tuyên phần nghĩa vụ của người phải thi hành án phải thực hiện, nội dung bản án cũng không thể hiện rõ quyết định hành chính đã được thực hiện trên thực tế hay chưa. Điều này cũng gây khó khăn cho việc theo dõi án hành chính và tổ chức thi hành.
Để sớm tháo gỡ những vướng mắc trên, các cơ quan THADS cần chủ động tham mưu cho chính quyền cùng cấp thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý về THAHC, theo đó cần sớm xây dựng và ban hành Luật THAHC để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong hoạt động THAHC.