* Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm:
Không phải cân nhắc mà là không thể cho phát triển căn hộ 25m2
Quy định căn hộ thương mại tối thiểu 45 m2 được đưa ra trên cơ sở quy định của Luật Nhà ở 2005. Sau đó, Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 đã bỏ quy định giới hạn diện tích tối thiểu của căn hộ là 45 m2. Đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có sàn căn hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.
Luật Nhà ở 2014 cũng quy định, về quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng theo Quy chuẩn 2008/BXD. Như vậy, hiện cũng chưa có điều luật nào cho phép căn hộ 25m2 tồn tại (Diện tích tối thiểu 25m2 chỉ được đề cập tới tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà xã hội dành riêng đối với căn hộ chung cư nhà ở xã hội).
Tuy nhiên, quan điểm về diện tích tối thiểu 45m2 đó vẫn cần phải được giữ lại, bởi không phải tự nhiên mà trước đây các nhà khoa học xây dựng, đô thị hay kiến trúc đã đưa ra diện tích tối thiểu này, bởi chúng ta phải hiểu rằng căn hộ được hiểu là một không gian sinh sống và phải đầy đủ các chức năng phòng khách, bếp, nhà vệ sinh có thiết bị chức năng đồng bộ.
Chúng ta rất khó bố trí được nhiều chức năng như thế trong không gian vỏn vẹn 25m2. Ngay cả việc tại sao tiêu chuẩn “cứng” về diện tích tối thiểu 45m2, lại “biến mất” trong Luật Nhà ở 2014 cũng như một số điều luật phù hợp khác, cũng là vấn đề đáng băn khoăn.
Trong khi tôi được biết các chủ đầu tư bất động sản đưa rất nhiều công văn kiến nghị, phát động cả một chiến dịch tuyên truyền cho căn hộ 25m2. Có dự án đã rao bán những căn hộ 25m2 rồi. Vậy có phải chúng ta đang “đi” hợp thức hoá cho sai phạm?
Về lâu về dài không thể phát triển với những căn hộ 25m2 được. Nó gây ra quá tải hạ tầng, nguy cơ tạo ra những khu “ổ chuột” mới. Đối với vấn đề về nhà chung cư nói chung, diện tích tối thiểu căn hộ chung cư nói riêng, chúng ta phải có tầm nhìn 50 năm, 70 năm chứ không thể thiển cận nói là giải quyết vấn đề trước mắt hiện nay về nhà ở được. Có nhiều cách để giải quyết nhà ở cho người dân mà không phải vấn đề 25m2 hay 45m2. Theo tôi, không phải cân nhắc mà là không thể cho phát triển căn hộ 25m2.
* Kiến trúc sư Hoàng Thịnh:
Quy định diện tích chung cư nhỏ quá là một bước lùi
Yêu cầu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người dân là yêu cầu chính đáng, nhưng có nhiều cách thức để giải quyết nhu cầu về chỗ ở, ví dụ như xây chung cư cho thuê, quy định sở hữu chung cư có thời hạn… Việc giảm diện tích chung cư chỉ là để giảm giá thành chung cư, mà diện tích nhỏ thì cũng chỉ cố gắng đảm bảo công năng tối thiểu chứ khó có thể đáp ứng cuộc sống tiện nghi.
Trên thực tế, những người không có điều kiện kinh tế phải mua chung cư diện tích nhỏ nhằm giảm chi phí thì khó có thể đổi nhà khi nhu cầu sử dụng diện tích nhà tăng lên, nên dễ dẫn đến việc cơi nới hoặc làm giảm chất lượng không gian sống. Lo ngại về “ổ chuột trên cao” là có cơ sở, nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa siết được kỉ cương trong tuân thủ quy hoạch, kiến trúc.
Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, đến năm 2020 diện tích nhà ở tối thiểu là 8 m2 sàn/người. Thời gian qua, nỗ lực của cả nước là tăng chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có việc tăng diện tích nhà ở của mỗi người. Vì thế, việc giảm diện tích căn hộ dường như đang đi ngược lại cố gắng đó.
Tôi vẫn nhắc lại, Nhà nước cần có phương hướng cho việc xây các chung cư có chất lượng đảm bảo cuộc sống cho người dân có nhu cầu thuê, giúp họ an cư – đó mới thực sự là nhà ở xã hội, thay vì chỉ chú trọng xây nhà để bán như hiện nay.
Trong dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, căn hộ chung cư là căn hộ nằm trong nhà chung cư hoặc nhà trong khối nhà chung cư hỗn hợp, phục vụ cư trú lâu dài trong một gia đình, cá nhân hay tập thể. Căn hộ chung cư phải có tối thiểu một tháng ở vào một khu vệ sinh. Diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2.