Nhìn lại những trò chơi dân gian tuổi thơ

(PLVN) - Người ta vẫn thường nói, ký ức tuổi thơ, dù vui hay buồn đều mang một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời mỗi người. Bởi lẽ, đó là nơi lưu giữ những tháng năm trong trẻo và đẹp đẽ nhất của một đời người. Nhất là, với các thế hệ 8x trở về trước, tuổi thơ lại càng đáng nhớ khi không có thiết bị điện tử, không có Internet mà chỉ có những buổi chiều rong chơi cùng bạn bè với những trò chơi dân gian mộc mạc, giản dị.
Tuổi thơ của nhiều thế hệ gắn liền với những trò chơi dân gian. (Ảnh: ST)

Ký ức tuổi thơ thời không Internet

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, tuổi thơ của nhiều đứa trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy của các thiết bị điện tử và mạng Internet. Hình ảnh những em nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, say sưa với các trò chơi hay video trên mạng đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong mỗi gia đình. Với các em, đó là thế giới đầy màu sắc, là nơi chứa đựng niềm vui theo cách riêng của thời đại số. Thế nhưng đằng sau niềm vui ấy, phải chăng những đứa trẻ đang dần mất đi một phần tuổi thơ đáng lẽ phải sống động với những hoạt động ngoài đời thực.

Ngược dòng ký ức, nhìn lại tuổi thơ của các thế hệ 8x trở về trước là một bức tranh hoàn toàn khác. Ở cái thời chưa có thiết bị điện tử, chưa có Internet nhưng những đứa trẻ ngày ấy lại đầy ắp tiếng cười và ký ức đáng nhớ cùng với trò chơi dân gian. Đã có biết bao thế hệ trẻ em say mê suốt tuổi thơ của mình với các trò như ô ăn quan, rồng rắn lên mây, kéo co, nhảy dây, đánh bi, đánh đáo, chơi chuyền, chơi khăng, chơi u,...

Có lẽ sẽ rất khó để liệt kê hết tất cả các trò chơi dân gian, bởi mỗi vùng miền với phong tục, tập quán và điều kiện sống riêng biệt lại sản sinh ra những trò chơi khác nhau phù hợp với văn hóa nơi đó. Nếu như ở vùng đồng bằng, trẻ em thường gắn bó với các trò như đánh cờ người, thổi cơm thi, thì ở miền núi lại rộn ràng với nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu... Dù khác biệt về hình thức hay cách chơi, nhưng tất cả các trò chơi dân gian đều có điểm chung: giúp trẻ em tăng cường thể chất, sảng khoái tinh thần, rèn luyện khéo léo, phát triển tư duy và kỹ năng sống. Qua đó, trẻ học cách sống chan hòa với bạn bè, gắn bó với cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên. Có lẽ vì thế, trò chơi dân gian được coi là kho tàng cung cấp nội dung và phương pháp giáo dục trẻ em, tuy “không thầy, không sách” nhưng tương đối rõ ràng, đầy đủ.

Một trong những trò chơi dân gian tiêu biểu, được đánh giá là giàu trí tuệ nhất, ô ăn quan. Trò chơi này được cho là có nguồn gốc từ châu Phi, với tên gọi ban đầu là Awalé. Qua thời gian và sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, ô ăn quan đã du nhập vào Việt Nam và dần phát triển thành một trò chơi đặc trưng, thể hiện đậm nét văn hóa của dân tộc. Trong những năm 1970 - 1980, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, hầu như đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần chơi qua trò chơi này.

Ở mỗi quốc gia, trò chơi này có những biến thể khác nhau nhưng đều chung mục đích rèn luyện trí tuệ và khả năng tính toán. Tại Việt Nam, chỉ cần một khoảng sân nhỏ, vài viên sỏi, mảnh gạch hoặc viên phấn là đủ để các em có thể bước vào những “trận đấu trí” hấp dẫn, đầy hào hứng. Chính bởi sự mộc mạc, gần gũi, ô ăn quan nhanh chóng trở thành trò chơi phổ biến trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền biển.

Bên cạnh đó, một nét đặc sắc không thể không nhắc đến trong các trò chơi dân gian Việt Nam là sự gắn bó mật thiết với những bài đồng dao, một thể loại văn vần độc đáo của dân tộc. Hầu hết các trò chơi như chọi gà, rồng rắn lên mây, chơi chuyền, chi chi chành chành hay ô ăn quan đều gắn liền với những bài đồng dao truyền miệng, vừa tạo không khí vui tươi, vừa giúp trẻ rèn luyện trí nhớ, khả năng ngôn ngữ.

Đơn cử như rồng rắn lên mây, trò chơi gắn với đồng dao nhằm thúc đẩy sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp: “Rồng rắn lên mây/Có cây núc nắc/Có nhà khiển binh/Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không...”. Hay “Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt...” là bài đồng dao mà các cô bé thường hát để chơi chuyền. Trò chơi này cần dụng cụ là một quả bóng nhỏ, hòn đá hay quả ổi non và mười que tre vót tròn hoặc đũa, đồng thời đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và phản xạ.

Đưa trò chơi dân gian trở lại dòng chảy hiện đại

Có thể thấy, chính nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian không chỉ phản ánh lối sống lành mạnh, văn minh mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc, trở thành một nét đẹp đặc trưng trong đời sống tinh thần của người Việt. Đặc biệt, trò chơi dân gian còn chiếm giữ vị trí đặc biệt, một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều thế hệ, tạo nên sợi dây gắn kết giữa các thế hệ cộng đồng và bạn bè đồng trang lứa.

Trong một lần chia sẻ với truyền thông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho hay: “Cuộc sống đối với trẻ em không thể thiếu những trò chơi. Trò chơi dân gian không đơn thuần là một trò chơi của trẻ con mà nó chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước”.

Thế nhưng, những buổi chiều rong chơi ngoài sân, những tiếng cười giòn tan bên các trò chơi dân gian, vốn từng là một phần không thể thiếu của tuổi thơ nay đang dần bị lãng quên trong dòng chảy hiện đại. Ở các thành phố lớn, hình ảnh trẻ em quây quần bên những trò chơi dân gian ngày càng trở nên hiếm hoi. Có chăng chỉ còn lác đác xuất hiện một vài trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà… nhưng nhiều khi cũng biến tướng, mất đi nét mộc mạc, trong sáng vốn có.

Trước sự lãng quên đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng đây là một thiệt thòi của trẻ em ở một xã hội công nghiệp, chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi. Thiệt thòi hơn, các em không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước. Những trò chơi này đang ngày càng bị mai một không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả các vùng nông thôn, nơi đang dần bị đô thị hóa mạnh mẽ. “Vì thế giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn với những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Có lẽ, đây cũng là nỗi trăn trở chung của nhiều người, khi nhận ra tuổi thơ của trẻ em hôm nay đang dần xa rời những trò chơi dân gian giản dị, mộc mạc. Và khi những trò chơi ấy bị lãng quên, cũng đồng nghĩa với việc những giá trị văn hóa truyền thống từng được gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác đang dần mai một theo năm tháng.

Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà bi quan. Dù không thể níu giữ thời gian nhưng hoàn toàn có thể gìn giữ ký ức và khơi lại những giá trị xưa cũ bằng cách đưa trò chơi dân gian trở lại trong đời sống trẻ thơ. Những năm gần đây, với mong muốn khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra sân chơi vui tươi, lành mạnh cho các em nhỏ, nhiều trường học, bảo tàng… đã tổ chức lại một số trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc.

Trong sân trường, giờ ra chơi thay vì nô đùa các em học sinh lại quây quần tham gia các trò chơi dân gian như nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan, nhảy bao bố... Hay tại bảo tàng, trò chơi dân gian đã trở thành một hoạt động thường niên, đặc biệt sôi nổi vào các dịp lễ như Tết Trung thu. Những trò chơi truyền thống như cờ gánh, tu lu, rải gianh, chơi u, lùa vịt, đi goòng, bắn chun, chơi chuyền, mèo đuổi chuột, đập niêu đất, kéo co… khiến nhiều trẻ nhỏ, phụ huynh hào hứng tham gia.

Những hoạt động này không chỉ là cách để trường học, bảo tàng phát huy vai trò giáo dục văn hóa truyền thống, còn là cách để tôn vinh, tái hiện những trò chơi gắn liền với tuổi thơ Việt Nam. Qua đó, các em được rèn luyện thể chất, phát triển kỹ năng, đồng thời được trải qua những khoảnh khắc tuổi thơ đầy hồn nhiên, tươi đẹp.

Đọc thêm