Truyền thống hiếu học của Hải Dương
Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam được tính từ năm 1075 dưới triều Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi “Minh kinh bác học”, khoa cử phong kiến được khép lại vào năm 1919 dưới triều Vua Nguyễn Hoàng Tông.
Trải qua gần 9 thế kỷ, cả nước tổ chức được 185 kì thi, tuyển chọn được 2.898 vị tiến sĩ thì Hải Dương có 644 vị, chiếm hơn 20% số tiến sĩ Nho học của cả nước. Trong đó, huyện Nam Sách có số tiến sĩ Nho học nhiều nhất của Hải Dương, cũng là huyện có nhiều tiến sĩ Nho học nhất của cả nước với 125 vị đại khoa.
Đặc biệt, Hải Dương còn biết đến 1 địa danh nổi tiếng được mệnh danh là “Lò tiến sĩ xứ Đông” thuộc làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang có tới 39 vị tiến sĩ đỗ đạt qua các triều đại Trần, Lê. Đây là trường hợp “độc nhất vô nhị” trong lịch sử khoa cử Hán học Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng Hải Dương là tỉnh có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước trên cả 3 cấp độ hành chính tỉnh, huyện, xã.
Xét về phương diện tuổi tác, người trẻ tuổi nhất là Bùi Hoàn Khánh người làng Vĩnh Lại (xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang), 18 tuổi đã thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm Hồng Đức thứ 21 (1490); người đỗ muộn nhất là Đặng Thì Mẫn người làng An Lạc, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách 65 tuổi đỗ Đệ tam giáp năm Hoằng Định thứ 14 (1463).
![]() |
Nghi môn Văn Miếu Mao Điền. (Ảnh trong bài: Hoàng Giang) |
Xuất phát từ truyền thống khoa bảng như vậy, Hải Dương cũng là nơi sớm được xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử và lưu danh các vị Đại khoa tiêu biểu cho truyền thống khoa bảng của địa phương.
Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt
Sử sách còn ghi lại, sau cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi, Vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) một mặt từng bước xây dựng lại toàn bộ các thiết chế chính trị, một mặt đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước bằng việc đặt ra các khoa thi. Hệ thống Văn Miếu lần lượt được triển khai xây dựng tại các cấp phủ, huyện, châu, trấn xứ... trên đất nước ta. Theo đó, Văn Miếu trấn Hải Dương cũng được xây dựng.
Tuy nhiên, Văn Miếu trấn Hải Dương xưa không đặt ở Mao Điền ngày nay mà nguyên gốc được đặt ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, Hải Dương). Hiện nay, nền đất cũ nằm bên hữu ngạn dòng sông Sặt vẫn còn dấu tích là một khu đất cao ráo, bằng phẳng rộng khoảng 3.000m2 với một số cổ vật, người dân gọi đây là nền Văn Miếu xưa.
Cùng với Văn Miếu ở Vĩnh Lại, Trường thi Hương tại trấn Hải Dương được xây dựng vào thời Hồng Đức (1470 - 1497) tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là cánh đồng Tràng, xã Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng). Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ, cỏ thơm, cỏ thi. Chữ Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, cỏ thi, người xưa đã chọn nơi này để làm Trường thi Hương của trấn Hải Dương.
Đây là một trong 6 trường thi tính từ Nghệ An trở ra, gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng và Hải Dương.
Như nhiều trường thi đương thời, Trường thi Hương trấn Hải Dương không xây cố định. Mỗi lần thi là một lần dựng trường, chất liệu bằng tranh tre, nứa lá đơn giản. Mặt bằng xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi, đôi khi mới gặt lúa xong.
Trường thi gồm 3 khu vực: khu vực Nội liêm dành cho các khảo quan, khu vực Ngoại biên dành cho các quan Giám thị và khu vực thứ ba dành cho thí sinh dựng lều chõng. Mặt bằng trường thi được chia làm 4 vi (ô vuông), xung quanh xếp kín trường, mỗi vi dựng 7 nhà dài, mỗi nhà dài có 17 gian. Tuy nhiên, phần lớn Trường thi Hương không đủ nhà mà thí sinh tự dựng lều, kê chõng để làm bài thi. Thí sinh cũng tự chuẩn bị bút, mực, dao, kéo, cơm ăn, nước uống dùng trong ngày và ống quyền đựng bài thi, cạnh nhà thập đạo có chòi canh để phát lệnh trường thi.
![]() |
Nhiều trường học chọn Văn Miếu Mao Điền là địa điểm cho các học sinh, sinh viên tham quan và trải nghiệm. |
Từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), tại đây đã diễn ra nhiều kỳ thi Hương. Đây cũng là nơi đào tạo hàng ngàn cử nhân, tú tài. Đặc biệt vào thời kỳ nhà Mạc, do Thăng Long có nhiều biến động phức tạp về chính trị nên các vua nhà Mạc đã chọn Trường thi Hải Dương để tổ chức 4 kỳ thi Hội (Đại khoa) vào các năm 1529, 1532, 1535, 1538.
Đến năm Canh Thân (1800), để thuận tiện cho việc tổ chức tế lễ Khổng Tử và thi cử Nho học, bản trấn Hải Dương đã cho di chuyển Văn Miếu từ Vĩnh Lại về sáp nhập với Trường thi Hương và lấy tên địa phương đặt tên cho di tích, do vậy có tên gọi là Văn Miếu Mao Điền.
Ngày nay, Văn Miếu Mao Điền không chỉ thờ Khổng Tử mà còn phối thờ thêm 8 vị Đại khoa tiêu biểu cho các lĩnh vực và thời đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương hoặc có gắn bó với mảnh đất Hải Dương): Tư nghiệp Quốc Tử giám, nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội Hành khiển, tiến sĩ Phạm Sư Mệnh; Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam, Thượng thư Vũ Hữu; Trình Quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
Ông Hà Quang Thành - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết: Văn Miếu là biểu tượng của truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Do đó, khác với đa số các di tích lịch sử khác, khách tham quan Văn Miếu Mao Điền đến cầu bình an, học hành, thi cử đỗ đạt. Hiện nay rất nhiều trường học của địa phương và các tỉnh bạn cũng chọn Văn miếu Mao Điền là địa điểm cho các học sinh, sinh viên tham quan và trải nghiệm.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, năm 1992 Văn Miếu Mao Điền được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia, đến tháng 12/2017 được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngày 06/12/2024 vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu Mao Điền là khu du lịch cấp tỉnh...