Thời gian qua, cuộc chiến chống “vàng tặc” tại địa bàn xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa (huyện Tương Dương) đang gặp không ít khó khăn, dù chính quyền địa phương cũng có nhiều biện pháp mạnh tay để hạn chế.
Đầu tháng 12/2017, UBND xã Yên Na và Yên Tĩnh phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên khu vực đồi Pu Phen. Tại địa phận xã Yên Tĩnh đoàn đã phát hiện 3 tổ hầm lò, 3 máy đông phong, 2 máy nghiền đá, 2 bình khoan hơi và 6 công nhân, 3 lán trại thuộc địa phận đất của Cty Thủ đô được cấp phép.
Tại địa phận xã Yên Na đoàn phát hiện 3 tổ hợp hầm lò, 2 máy đồng phong, 2 máy nghiền đá, 2 bình khoan hơi và 5 công nhân. Cùng ngày, kiểm tra tại địa phận xã Yên Hòa đoàn phát hiện 1 tổ hợp hầm lò, 1 máy đông phong, 1 bộ phát điện, 1 lán trại. Qua đấu tranh làm rõ, các đối tượng tập kết máy móc, dựng lán trại với mục đích tận thu vàng cho công ty Thủ đô thăm dò để lại trước đây, chưa hoàn trả lại mặt bằng.
|
Lán trại các đối tượng khai thác vàng trái phép dựng lên trong rừng để hoạt động khai thác |
Đoàn đã lập biên bản xử lý bắt tháo dỡ các phương tiện, tiêu hủy máy móc, lán trại tại chỗ gồm 6 lán trại, 5 máy đông phong, đập phá 4 máy nghiền đá, 2 bộ phát điện, trục xuất những đối tượng hoạt động khai thác ra khỏi hiện trường, ký cam kết không tái phạm về hoạt động khai thác vàng tại các địa bàn các xã.
Để đấu tranh với nạn tận thu khai thác khoáng sản trái phép địa phương gặp không ít khó khăn như địa bàn rộng, dốc hiểm trở, chủ yếu trong khe suối, rừng sâu, cách khu dân cư, đi bộ 2,5 -3 giờ mới đến khu vực Pu Phen. Thông tin liên lạc thuận lợi, khi đoàn tiến hành kiểm tra xử lý các đối tượng thường biết trước và chạy trốn vào rừng, các khe suối.
Kinh phí đầu tư cho việc thành lập đoàn kiểm tra hạn chế. Những đối tượng lén lút khai thác trên Pu Phen chủ yếu là người nghiện, lang thang, có những đối tượng ra tù vào đội, rất manh động, nên ý thức chấp hành bảo vệ khoáng sản hạn chế.
|
Để vào được điểm khai thác vàng trái phép phải đi bộ 3-4 tiếng đồng hồ mới đến nơi |
Theo ông Lương Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Na, việc một số cá nhân khai thác vàng trái phép trên khu vực khe Pu (bản Na Pu) đã khiến cuộc sống người dân vùng hạ lưu bị ảnh hưởng. Từ khi xảy ra việc khai thác vàng chui, nước ở đây đục ngầu, khi dùng để tưới cho lúa thì lúa chết. Có khoảng 30 hộ dân thiệt hại do lúa chết.
Một số trâu bò cũng tự nhiên chết, người dân cho rằng do uống phải nước suối nơi khai thác vàng chảy xuống. Ngoài những hệ lụy trên, còn có những hệ lụy đau lòng như các tệ nạn xã hội xuất hiện trở lại. Nhưng khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì các đối tượng bỏ đi hết, chỉ còn lại những người bản địa được thuê để giữ máy móc.
Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết thêm, khu vực vàng tặc khai thác trái phép mới được Bộ TNMT cấp phép cho Công ty Thủ Đô chuẩn bị tiến hành khai thác. Tuy nhiên, người dân thì mong muốn nhà nước rút giấy phép vì việc khai thác vàng không đem lại lợi ích gì cho nhân dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đáng buồn. Người dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc gia cầm của bà con.
|
Tiến hành đốt lán trại, máy móc của các đối tượng khai thác vàng trái phép trên đồi Pu Phen |
“Bà con nhân dân cũng như chính quyền nơi đây không mong muốn cấp phép khai thác vàng cho bất cứ công ty nào vì khi khai thác vàng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đau buồn. Hiện nay “vàng tặc” đang khiến chính quyền nơi đây đau đầu vì điểm khai thác vàng nằm sâu trong rừng phải mất 3-4 tiếng đồng hồ đi bộ mới đến. Những người tham gia khai thác vàng là những người tứ xứ đến, nghiện ngập có, đi tù về có, người địa phương có. Gây mất tình hình an ninh trật tự, nhiều gia đình cũng ly tán vì đi khai thác vàng…” ông Khiêm chia sẻ.
Với những hệ lụy trước mắt, người dân địa phương không mong muốn cấp phép khai thác vàng cho công ty nào, cũng như dẹp hết nạn “vàng tặc”,chính quyền huyện và Sở TNMT cần có những biện pháp quyết liệt hơn để dẹp bỏ. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác vàng của công ty được cấp phép để tránh không để lại những hệ lụy đáng buồn, gây bức xúc cho dân bản.