18 tuổi đã “hoài cổ”
Nhìn từ bên ngoài, căn nhà hai gác của anh Nguyễn Hữu Hoàng (42 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thiết kế, xây dựng theo phong cách hiện đại, nhưng nội thất bên trong từ bộ bàn ghế gỗ chạm trổ cổ điển, đến các kệ, tráp đều được bày biện theo hơi hướng tôn vinh truyền thống. Ngôi nhà còn mang nét độc đáo bởi hầu hết không gian đều được chủ nhà tận dụng trưng những món đồ cổ vật “cưng”.
Những ngày cuối năm, nhà sưu tầm luôn tất bật với việc lau chùi, sắp xếp lại các món đồ cổ đã tìm được trong những năm tháng rong ruổi kiếm tìm. Anh kể, đến với nghề sưu tầm cổ vật như một cơ duyên. Trong những năm học cấp hai thường lấy những chén cổ, dĩa cổ từ đời ông tổ, ông nội để lại ra lau chùi ngắm nghía. Càng ngắm càng mê thích màu thời gian cũ kỹ ám trên từng món đồ, như bị hớp hồn, anh bỏ ngang việc học, đi săn cổ vật. Lúc đó chàng thanh niên còn chưa tròn 18 tuổi.
Những “chuyến khởi hành” đầu tiên là đạp chiếc xe đạp cọc cạch đi đến các nhà trong làng. Đến đâu anh cũng hỏi thăm nhà nào còn sót lại những chén, dĩa, tô sứ, đồ đồng… từ thời xưa. “Tôi tìm đến từng nhà hỏi thăm, khi chủ nhà bảo có thì tôi xin xem, sau đó ngỏ ý mua. Có người nói tôi “hâm” tự nhiên đi quý những dĩa, chén đã sứt mẻ. Nhiều người xem đó là cuộc mua bán “hời” nên hồ hởi bán. Cũng có người quý những kỷ vật ông cha để lại, dù năn nỉ bao nhiêu cũng không thể thuyết phục bán”, anh nhớ lại.
Hành trình tìm kiếm cổ vật dần mở rộng ra các làng, huyện lỵ lân cận. Sau mỗi chuyến như thế, những cơi trầu, chén, dĩa, bình,… đủ kích thước lớn nhỏ được anh thồ về nhà chất kín. Những ngày đầu, vốn bỏ ra ít, về sau những chuyến đi càng quy mô, vốn bỏ ra nhiều hơn. Nhiều lúc hết tiền giữa chừng không thể mua được món đồ ưng ý, để có tiền duy trì và tiếp sức cho đam mê, anh trở về cật lực làm nghề chạm, khảm gỗ cùng anh trai. Được bao nhiêu tiền lại rời nhà đi rong ruổi khắp chốn.
Trong quá trình đó, cùng những kinh nghiệm thực tiễn, anh vừa tìm hiểu thêm kiến thức về đồ cổ thông qua các tài liệu, sách vở, tìm đến những bậc thầy cổ vật để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã nắm chắc kiến thức, chàng trai phiêu bạt sang tận Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, rồi trở vào Đà Nẵng, Quảng Nam… Thậm chí “tín đồ” cổ vật còn lặn lội tìm đến các vùng ven biên giới Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Mỗi chuyến đi từ vài ngày đến nửa tháng, thậm chí có thể kéo dài tới hai tháng.
Áo vua Hàm Nghi hay Khải Định?
Anh Hoàng kể, dù chuyến đi xa hay gần, phương tiện duy nhất của anh lúc đó chỉ là chiếc xe đạp cà tàng thô sơ. Đến các tỉnh thành, anh gửi xe đạp lên xe khách, tới nơi lại rong ruổi đạp xe từ huyện này sang huyện khác.
Trong một chuyến đi ở tỉnh Quảng Trị, anh đạp xe từ đồng bằng lên tận huyện Hướng Hóa, ĐaKrông, hai huyện miền núi thuộc tây nam Quảng Trị nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Không hiểu ngôn ngữ giao tiếp, phong tục lễ nghĩa, anh tìm đến những người bản địa giao tiếp được bằng tiếng Kinh nhờ sự trợ giúp. Lang thang khắp các bản làng, một ngày tình cờ anh nghe dân bản mách nước ông trưởng bản có cái áo rồng vàng đẹp lắm. “Nhưng khi tôi tìm đến ông lão vội khước từ. Năn nỉ mãi ông mới mở tráp lấy cho xem. Vừa thấy chiếc áo, tôi chợt rùng mình, tưởng như không tin vào mắt mình”, anh Hoàng kể.
Thì ra đó là long bào của vua chúa, với 20 hình rồng năm móng được thêu nổi mặt trước sau, trên cánh tay và cổ áo. Phía trước ngực thêu chữ Thọ, dưới gấu áo là thủy ba, cúc áo bằng vàng (đã mất hai cúc, chỉ còn một cúc), từng sợi chỉ bằng bạc tinh xảo. Áo được dệt bởi kỹ thuật dệt cài hoa (kỹ thuật dệt thủ công có xuất xứ từ làng nghề dệt lụa Vạn Phúc ở Hà Nội - PV). Qua thời gian, cổ bào đã có một số chỗ đứt chỉ, nhưng so với nhiều cổ vật khác, áo còn khá nguyên vẹn cả màu sắc lẫn kích thước.
Chủ nhân chiếc áo ngày đó là trưởng bản đã ngoài 90 tuổi, được thừa hưởng từ đời ông nội để lại. Theo lời kể, trong thời chiến tranh loạn lạc, một người ở Làng Cùa (nay thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị) đã đổi áo lấy mấy gùi lương thực thực phẩm. Vì là vật quý của ông cha để lại nên ông cụ cất giữ rất cẩn thận. Mỗi năm ông chỉ đưa ra thắp hương một lần rồi gói lại, cất lên tráp ở bàn thờ. Ai hỏi mua, ông dứt khoát không chịu bán, dù không ít người đã trả giá cao ngất ngưởng. “Biết đích thị đó là chiếc áo quý, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có vận may được gặp, tôi năn nỉ ông cụ bán lại nhưng ông khăng khăng từ chối”, anh Hoàng hồi ức.
Trở về với nỗi day dứt trăn trở về chiếc cổ bào, qua tìm hiểu các tài liệu, anh xác định đó là chiếc long bào vua thường mặc trong các buổi thượng triều, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng. Đó có thể là di vật của vua Hàm Nghi hoặc vua Khải Định triều Nguyễn bị thất lạc. Bởi căn cứ vào nguồn gốc sưu tầm cũng như kích cỡ nhỏ (dài 1,07 m), cho thấy phù hợp với thân hình nhỏ nhắn của hai vị vua trên.
Mang nỗi trăn trở trong lòng, anh trở lại bản nghèo “ăn dầm ở dề” thuyết phục chủ nhân nhượng lại chiếc áo. Thương anh biết tôn sùng, quý trọng báu vật, sau gần một tháng thử lòng chàng trai trẻ, ông lão trưởng bản đã làm lễ cúng Giàng (trời) để lại chiếc áo rồng vàng cho anh. Mừng như bắt được vàng, anh tức tốc đưa di vật của đế vương về nhà xông trầm, nâng niu cất giữ.
Bộ sưu tập y phục triều đình
Như duyên số dẫn đường, từ ngày có được chiếc cổ bào, rất nhiều trang phục cung đình triều Nguyễn như “tự tìm về” với anh. Dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, anh men theo dãy Trường Sơn, tìm đến huyện miền núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Mưa gió, đau ốm, anh xin ngủ nhờ ở nhà dân. Mỗi chuyến đi đều thêm những khám phá mới. Y phục hoàng hậu được anh phát hiện ở một huyện miền núi Quảng Bình, cách chiếc long bào hơn 40km. Đến nay, ngoài trang phục của đế vương và hoàng hậu, anh còn hơn 80 trang phục cung đình như: Áo thái tử, áo thượng triều của các quan nhị phẩm, tòng nhất phẩm, chánh nhị phẩm, tam phẩm, áo nhã nhạc cung đình,…
Nhớ lại những kỷ niệm trong hành trình tìm kiếm trang phục hoàng triều, anh kể: Gian nan nhất là chiếc áo đại triều của quan nhị phẩm, phải trường kỳ tám năm trời anh mới mua về được. Đó là chuyến tìm kiếm vào năm 2002, anh vượt dãy Trường Sơn sang biên giới đất bạn Lào. Chiếc áo do một già làng hơn 90 tuổi ở một bản nghèo thuộc biên giới Lào nắm giữ. Chiếc áo là vật đổi chác từ đời tổ tiên của ông khi sang Thành Tân Sở (tên một tòa thành cổ của nhà Nguyễn, nay thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) giao dịch mua bán. Biết là vật quý của đất Việt, chủ nhân của chiếc áo “thà chết không chịu bán”.
Ý nghĩ phải quyết tâm đưa cổ vật của người Việt trở lại mảnh đất tổ tiên luôn bùng cháy trong anh. “Tháng nào tôi cũng vượt Trường Sơn thuyết phục, năm nào cũng lặn lội tìm đến hỏi han. Nhiều đợt tôi xin ở nhờ lại nhà chủ một tuần đến nửa tháng để có nhiều cơ hội bày tỏ ước muốn được đưa áo cổ về với quê hương xứ sở. Mãi tám năm sau (năm 2013 - NV), vị già làng bên đó mới đồng ý. Lúc tôi trở về, ông không ngừng nhắc nhở “con phải giữ thật cẩn thận, đó là văn hóa của dân tộc Việt…””, anh Hoàng nhớ lại.
Hiện hầu hết các bộ trang phục anh Hoàng sưu tầm được đã chuyển giao đến các bảo tàng trưng bày ở Hà Nội, TP.HCM. Một số ít được anh giữ lại tham dự các dịp lễ hội Festival truyền thống ở Huế. Anh chia sẻ: “Quy tập được cả bộ trang phục cung đình là điều tự hào, tâm đắc nhất của tôi trong cuộc đời sưu tầm cổ vật. Để tôi bảo quản cũng khó, những người chuyên nghiệp bảo quản sẽ an toàn và thuận lợi hơn. Đồng thời đó cũng là dịp giới thiệu văn hóa dân tộc đến người dân cả nước”./.