Những cách làm cần được phát huy ở dự án giao thông trên QL 1A

(PLO) - Trong khi nhiều CĐT bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)  cảnh cáo, phê bình vì thi công chậm trễ, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề thì có một số CĐT đã linh hoạt, sáng tạo nhằm đẩy nhanh tiến độ và giảm chi phí khá lớn cho DA.
Nhà thầu đang thi công tại cửa hầm Đèo Cả
Nhà thầu đang thi công tại cửa hầm Đèo Cả
Các dự án (DA) giao thông trên quốc lộ (QL) 1A đoạn qua hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa do nhiều chủ đầu tư (CĐT) thực hiện với các hình thức khác nhau như: sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hợp đồng BOT hoặc BOT kết hợp BT… 
Chủ động liên kết để bình ổn giá
DA nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) dài 37,7km do Cty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (Cty Đèo Cả Khánh Hòa) làm CĐT với mức vốn 2.664 tỷ đồng, khởi công ngày 26/5/2013. Vì đá là nguyên liệu chính, chiếm tỷ trọng rất lớn của công trình (khoảng 1 triệu mét khối) nên xảy ra tình trạng chủ các mỏ đá bắt tay nhau tăng giá, làm khó  CĐT, ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư (ĐT) cũng như tiến độ DA. 
Song CĐT kịp thời dập tắt hiện tượng xấu trên, đã chủ động hợp tác với một doanh nghiệp phân phối vật liệu xây dựng, đơn vị này phối hợp cùng Cty TNHH Khoáng sản Thiên Hà (chủ mỏ đá Hòn Giốc Mơ) để mở rộng, ĐT thiết bị dây chuyền khai thác đá, hiện nay đang tăng tốc độ khai thác và tập kết đến công trường. 
Ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty Đèo Cả Khánh Hòa cho biết: “Sự liên kết tay ba này sẽ đảm bảo đá luôn được cung cấp liên tục và đầy đủ để thi công, quan trọng hơn là giúp bình ổn giá trong suốt DA, giá này thấp hơn thị trường khoảng 30%, làm cho chi phí DA giảm, nên thời gian thu hoàn vốn được rút ngắn! Với những điều kiện thuận lợi như thế, chúng tôi cố gắng hoàn thành trước thời hạn, dự kiến đưa công trình vào khai thác sớm hơn kế hoạch khoảng 6 tháng”. 
Sử dụng vốn và nhà thầu trong nước để tiết kiệm
DA trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả (DA Đèo Cả) nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có vốn ĐT lên đến 15.603 tỷ đồng, toàn bộ DA dài 13,4km, trong đó hầm Cổ Mã dài 500m, hầm Đèo Cả 3.900m, do Cty CP Đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) làm CĐT. Đến nay, đây là DA theo hình thức BOT - BT lớn nhất ở Việt Nam do tư nhân chủ động lập hồ sơ đề xuất thực hiện và được sự đồng thuận cao từ các cơ quan nhà nước. 
Năm 2000, DA hầm đường bộ Hải Vân sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, làm tăng nợ công Chính phủ; đồng thời phải ưu tiên cho các doanh nghiệp nước này làm nhà thầu chính (NTC) nên giá thành DA cũng tăng lên, bởi những DA xây dựng bằng vốn ODA thường đắt hơn so với DA xây dựng bằng nguồn vốn, CĐT trong nước, do nhà thầu sử dụng nguyên vật liệu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế theo giá của nước viện trợ ODA. 
Còn đối với DA Đèo Cả, Bộ GTVT đã mạnh dạn đưa ra một định hướng đúng đắn: cho phép CĐT huy động nguồn vốn lớn trong nước để thực hiện và chỉ đạo quyết liệt CĐT phải sử dụng nội lực bằng cách chỉ định hai doanh nghiệp có năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm là Cty Cổ phần Sông Đà 10 và TCty Xây dựng Lũng Lô làm NTC. 
CĐT chỉ thuê tổ chức Apave tư vấn giám sát toàn bộ DA, đồng thời yêu cầu các NTC phải thuê chuyên gia giỏi đến từ Nhật Bản, Pháp để điều hành quá trình thi công nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu về an toàn, chất lượng, tiến độ và nhanh chóng xử lý sự cố xảy ra (nếu có). 
Tiến sĩ - Thiếu tướng Đào Trọng Thanh - cố vấn cao cấp DA Đèo Cả nhận định: “Việc sử dụng nguồn vốn và NTC trong nước, trước hết là để bảo toàn nguồn vốn, không chảy ngoại tệ ra nước ngoài và sẽ tiết kiệm được một số chi phí đáng kể so với tính toán ban đầu”.
Niềm tin của những người trong cuộc
Tiếp xúc với chúng tôi tại công trình hầm Cổ Mã thuộc gói thầu số 2 của DA Đèo Cả vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Quảng (đại diện Cty Cổ phần Sông Đà 10, đồng thời là Phó Giám đốc điều hành công trình) chia sẻ: “CĐT hỗ trợ rất tốt, như ứng tiền trước cho nhà thầu thi công, phối hợp chặt chẽ với nhau. Chúng tôi huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị vật tư, áp dụng công nghệ đào hầm NATM của Áo, đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ dưới sự giám sát của liên doanh tư vấn giám sát uy tín”. 
Ở cửa hầm phía Nam Đèo Cả, Thiếu tá Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Cty Xây dựng Công trình ngầm (TCty Xây dựng Lũng Lô) phấn khởi: “CĐT tạo cơ chế mở về tài chính cho chúng tôi, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh. Hàng ngày giữa CĐT, tư vấn thiết kế và nhà thầu luôn có những cuộc trao đổi công việc trực tiếp trên công trường, mỗi tuần đều họp giao ban nên tiến độ thi công được đẩy nhanh, đa số các hạng mục sẽ hoàn thành sớm hơn dự định”. 
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Tường Thuật không giấu được nỗi xúc động, vui mừng: “Mật độ xe cộ lưu thông qua Đèo Cả rất lớn nên quá tải, nguy hiểm hơn là thường xảy ra tai nạn chết người, gây ách tắc giao thông. Vì thế, một đường hầm qua Đèo Cả để rút ngắn thời gian đi lại, tránh nguy hiểm không chỉ là nguyện vọng của nhân dân hai địa phương chúng tôi mà còn đáp ứng lòng mong muốn của tuyệt đại đa số nhân dân cả nước. "
"Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn eo hẹp, việc nhiều doanh nghiệp tìm cách hợp sức lại để triển khai DA chính là biểu hiện của tâm huyết, trí tuệ, công sức và lòng dũng cảm. Khi mới ra đời , Cty Đèo Cả còn gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng đến nay Công ty đã vượt qua, ổn định, mọi việc đang phát triển một cách bài bản, thuận lợi nên nhân dân chúng tôi có cơ sở để tin tưởng, hy vọng đến năm 2017 tất cả các đoạn đường và hầm Đèo Cả trên QL1A qua hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sẽ hoàn thành tốt đẹp để thông tuyến”. - ông Thuật cho biết.        

Đọc thêm