Những "chùa Bà Đanh" giá 43 tỷ

Bỏ hơn 40 tỷ đồng để xây dựng ba trạm dừng nghỉ đường bộ (Song Khê – Bắc Giang, Mường Khiến – Hòa Bình, và một trạm ở Ninh Bình). Kết quả thu được chỉ là sự … vắng vẻ.

Bỏ hơn 40 tỷ đồng để xây dựng ba trạm dừng nghỉ đường bộ (Song Khê – Bắc Giang, Mường Khiến – Hòa Bình, và một trạm ở Ninh Bình). Kết quả thu được chỉ là sự … vắng vẻ.

Trạm dừng nghỉ Song Khê trong ngày khai trương

Thư giãn miễn phí vẫn … vắng

Cuối tháng 5/2010, phóng viên Pháp Luật Việt Nam đã có cuộc hành trình lên Bắc Giang để mục sở thị trạm dừng nghỉ Song Khê. Khác với các trạm dừng chân do tư nhân xây dựng tấp nập xe ra vào, trạm dừng nghỉ Song Khê được đầu tư bài bản này lại vắng lặng đến không ngờ. Một nhân viên ở đây cho biết, công trình được đầu tư với nhiều hạng mục khác nhau, đảm bảo nhu cầu của khách bộ hành khi vào nghỉ ngơi.

Tại trạm dừng nghỉ Song Khê, cơ sở vật chất gồm tòa nhà chính (có phòng nghỉ ngơi của lái xe, khu trưng bày sản phẩm, khu sinh hoạt chung, cung cấp thông tin), khu vệ sinh (có phòng tắm và vệ sinh cho người khuyết tật), khu xử lý nước thải, sân bãi đỗ xe…

Ngoài các dịch vụ trên, trạm dừng nghỉ Song Khê còn cung cấp miễn phí các dịch vụ, như thư giãn, vệ sinh cho hành khách và lái xe, cung cấp thông tin về du lịch và giao thông, giới thiệu và bán các đặc sản như Mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân… Ăn uống thì thực khách thoải mái lựa chọn từ bình dân đến cao cấp.

Đầu tư bài bản, nhưng kỳ vọng của nhà đầu tư lại không như mong đợi. Thống kê cho thấy, trong những ngày đầu khai thác, lượng khách vào trạm này chỉ có 10 xe/ngày. Đến nay, mặc dù lượng khách đang tăng lên, nhưng cũng chưa đáp ứng được công năng của khu dịch vụ. Theo đó, lưu lượng thời điểm này đạt khoảng 40 xe/ngày với 250 khách. Theo đánh giá, với số lượng khách như trên thì nhà đầu tư bước đầu không bị lỗ.

Được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trạm dừng nghỉ đường bộ Mường Khiến (tại địa điểm huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cũng trong tình trạng hiu quạnh. Thống kê cho thấy, lưu lượng bình quân chỉ đạt 13 xe/ngày đêm với 102 khách. Doanh thu bán các sản phẩm địa phương và giải khát cũng đạt mức khiêm tốn: 10 triệu đồng/tháng.

Thê thảm hơn, trạm dừng nghỉ tại Ninh Bình luôn trong tình trạng vắng vẻ, cộng với không được hỗ trợ kinh phí vận hành và bảo dưỡng nên hàng tháng đơn vị quản lý phải bù lỗ khoảng 40 triệu đồng để đảm bảo trạm này … vẫn sống!.

Nhiều tồn tại, nhiều hạn chế

Ba trạm dừng nghỉ nói trên thuộc tiểu dự án hỗ trợ kỹ thuật Quy hoạch tổng thể hệ thống trạm dừng nghỉ đường bộ tại Việt Nam do JICA tài trợ, Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

...nhưng hàng ngày chỉ có quá nhiều...xe máy

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân “vắng vẻ” của cả ba trạm dừng nghỉ này bởi còn nhiều tồn tại. Trong đó, cơ sở vật chất cũng như hạng mục nhiều công trình còn thiếu. Đặc biệt, việc thiết kế và xây dựng các hạng mục còn chưa phù hợp với điều kiện và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, nơi nghỉ của lái xe thì hẹp và nóng.

Một trong các điểm yếu của các trạm dừng nghỉ này là chưa xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe, trong khi đó với một lượng khách ít ỏi ra vào hàng ngày nhưng thái độ phục vụ của nhân viên lại chưa niểm nở, chu đáo.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một trong những giải pháp để “tiếp sức” cho các trạm dừng nghỉ này hoạt động hiệu quả trong thời gian tới là chú trọng công tác tuyên truyền. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các trạm dừng nghỉ trong quá trình kinh doanh, khai thác.

Việt Hưng

Đọc thêm