Chuyện về nữ đầu bếp khiếm thị gốc Việt
Trong giới đầu bếp quốc tế, không mấy người không biết đến cô gái gốc Việt Christine Hà, dù tuổi đời của cô còn khá trẻ, và số năm “chinh chiến” trong nghề cũng không phải quá nhiều. Christine Hà nổi tiếng bởi cô là đầu bếp khiếm thị đầu tiên của chương trình Master Chef và từng đăng quang Masterchef 2012. Tài năng và nghị lực của cô gái trẻ đã trở thanh niềm cảm hứng của người trẻ khắp thế giới.
Christine Huyền Trân Hà là một người Mỹ gốc Việt sinh năm 1979 tại Los Angeles, California. Christine Hà không phải là một người mù bẩm sinh. Từ năm 20 thị lực của Hà bắt đầu suy giảm rồi dần dần cô trở nên mù lòa, hệ quả của căn bệnh viêm tủy - thị thần kinh. Hà đến với việc nấu ăn cũng ở những năm tháng bắt đầu trưởng thành. Sau khi mẹ mất, cô bé 14 tuổi bắt đầu thực hành nấu ăn món Việt với những kinh nghiệm học được trước đó. Thị lực dần suy giảm không những không làm cô nản lòng mà còn khiến Hà càng đặt thêm niềm say mê vào việc nghiên cứu, chế biến món ăn. Thị lực suy giảm đến đâu, khả năng nấu nướng của cô tăng cao đến đấy. “Cả hai chuyện xảy ra cùng lúc - chuyện mất thị lực cùng hành trình học nấu ăn. Đó là một chuyển biến lạ lẫm nhưng tôi đoán là mình cứ thế mà tiếp tục thôi”, trả lời một tờ báo nước ngoài, Hà nói như thế.
Đầu bếp khiếm thị gốc Việt Christine Hà. |
Nói ra có vẻ dễ, nhưng thực tế, để một người mù tôi luyện nghề đầu bếp chắc chắn không phải điều dễ dàng. Khi mất đi thị giác, Christine vẫn tiếp tục nấu nướng bằng các giác quan khác như nghe tiếng nước sôi, ngửi và nếm thức ăn. Dựa vào trí nhớ về những món ăn đã từng thấy lúc còn thị lực, Hà sử dụng trí tưởng tượng để phác thảo trong đầu những điều cần để nấu nướng. Cô còn phải sử dụng tất cả các giác quan khác ở mức tối đa như ngửi, chạm… Đặc biệt, vị giác của Christine Hà rất tinh tế và chuẩn mực, đó là nhờ tài năng thiên bẩm, nhưng cũng nhờ sự khổ luyện mà ra.
Trong suốt quá trình thi đấu tại Vua đầu bếp Mỹ, Christine Hà không thể nhìn thấy gì và cô được trợ giúp bởi một trợ lý. Khiếm khuyết về thị giác là một bất lợi cực kì lớn với Christine Hà trong một cuộc thi có tính cạnh tranh cao như Vua đầu bếp. Trong những phần thi đồng đội, không một thí sinh nào muốn chọn cô gái khiếm thính.
Tại cuộc thi, những món ăn xuất sắc của Christine không hề xa xỉ mà thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của mỗi gia đình Việt như cá kho, nộm đu đủ Thái, thịt ba chỉ kho, kem dừa… Cô gọi món Việt là “thức ăn an ủi tâm hồn”.
Phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực, Hà đánh bại hơn 30.000 thí sinh khắp nước Mỹ để đăng quang Vua Đầu Bếp, khiến cả giới đầu bếp kinh ngạc. Hà còn giành được giải thưởng Helen Keller trong phương diện thành tựu cá nhân của Hiệp Hội người khiếm thị Mỹ. Năm 2019, Christine Hà mở một nhà hàng đậm chất Việt Nam ngay tại Houston (Mỹ) mang tên Chú Dê Mù.
Tài năng, sự nỗ lực vượt nghịch cảnh của Christine Hà đã trở thành cảm hứng cho biết bao đầu bếp trẻ thế giới đang ấp ủ trong lòng ước mơ nấu nướng.
Con đường gian nan và ngọt ngào
Cạnh Christine Hà, còn nhiều đầu bếp Việt khác cũng với tài năng và nhiệt huyết, nỗ lực của mình, thành danh trên đấu trường quốc tế và góp phần đưa ẩm thực Việt ra thế giới.
Tại Úc, giới đầu bếp đánh giá cao Luke Nguyễn. Anh sinh năm 1978, là một đầu bếp người Úc gốc Việt, con một chủ nhà hàng món Việt ở khu Cabramatta, Sydney. Với hệ thống nhà hàng mang phong cách ẩm thực Việt Nam Red Lantern tại Surry Hills, Sydney, Luke Nguyễn đã giúp người Úc biết nhiều hơn về tinh hoa ẩm thực Việt. Luke Nguyễn cũng là một giám khảo quen thuộc với khán giả Việt trong vai trò giám khảo của MasterChef Vietnam. Anh viết sách nấu ăn và là MC cho chương trình Luke Nguyen’s Vietnam, một bộ phim tài liệu về ẩm thực Việt Nam cũng như cách người Việt thưởng thức các món ẩm thực truyền thống. Chương trình được phát sóng trên kênh SBS của Australia và được khán giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.
Giờ đây, không chỉ những đầu bếp gốc Việt thành danh tại nước ngoài, ngay tại trong nước, những chàng đầu bếp trẻ, rất trẻ, thế hệ 8X - 9X đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình trong giới ẩm thực. Năm 2019 chàng đầu bếp đến từ thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Quốc Nghị được giới ẩm thực miền Trung biết đến với những lớp học nấu ăn đặc biệt do mình sáng lập. Ở vai trò là một giảng viên ẩm thực anh luôn dạy và truyền cảm hứng cho học trò tạo ra những món ăn ngon, những kĩ năng nấu nướng tuyệt vời. Những món ăn mà anh dạy học trò, luôn hướng đến việc gửi gắm cái tâm và lòng chân thành. Anh đã tạo nên một trào lưu “nấu ăn ngon, gia đình hạnh phúc” cho chị em phụ nữ tại Đà Nẵng.
Đỗ Nguyễn Hoàng Long có nick name là Thánh La Cà. Anh là một trường hợp khá đặc biệt trong giới đầu bếp - xuất thân từ một siêu mẫu nhưng niềm đam mê ẩm thực đã khiến anh gắn bó với nghề bếp. Hoàng Long đã đi khắp các vùng miền đất nước, nghiên cứu những tinh hoa ẩm thực địa phương. Những kiến thức ẩm thực ấy đã được anh góp phần quảng bá qua các chương trình truyền hình nổi tiếng mà anh tham gia dàn dựng - giao lưu biểu diễn trong năm 2019 như Zero Plastic Waste Tourism (Du lịch không rác thải nhựa), Street Food Festival.
Đầu bếp trẻ Phạm Vũ Anh Thy. |
Chàng đầu bếp trẻ cũng là đại diện thương hiệu của rất nhiều nhãn hàng ẩm thực lớn, cố vấn cho hàng loạt chương trình Ẩm thực trên sóng truyền hình quốc gia.
Hay như Phạm Vũ Anh Thy, là một đầu bếp đam mê mãnh liệt với nền ẩm thực Việt. Khát khao đem ẩm thực Việt lan tỏa đi khắp thế giới, sau khi tu nghiệp tại Úc, anh sáng lập ra nhóm Let’s cook - thèm là nấu, một kênh chia sẻ kiến thức ẩm thực trên mạng xã hội thu hút gần 40 nghìn thành viên tham gia tích cực. Anh đã giúp quảng bá ẩm thực Việt đi khắp nơi. Chàng trai trẻ này còn ấp ủ một “âm mưu” lớn hơn. Đó là tổ những hoạt động ẩm thực hướng đến sức khỏe cộng đồng để giúp các gia đình Việt sẽ có thêm nhiều bữa ăn sạch và khỏe hơn.
Những năm trước đây, đầu bếp không được coi là một nghề mang lại nhiều danh vọng và tiền bạc đối với nhiều gia đình. Chính vì thế, nhiều người trẻ cũng phải từ bỏ ước mơ nấu nướng vì câu chuyện “cơm áo gạo tiền”. Thế giới ngày một phẳng hơn, người trẻ Việt nhanh chóng hội nhập và nhận ra rằng, đeo đuổi đam mê, dù nghề nghiệp nào cũng là chính đáng. Rồi ẩm thực Việt bắt đầu được quốc tế biết đến. Việt Nam có đầu bếp đầu tiên được ghi tên trên ngôi sao ở Đại lộ danh vọng Ẩm thực tại California. Nhiều đầu bếp gốc Việt thành danh, trở thành người truyền cảm hứng cho nghề bếp thế giới. Làng ẩm thực thế giới cũng ghi nhận những “ngôi sao đầu bếp” gốc Việt.
Và đó là những động lực lớn cho người trẻ Việt Nam dũng cảm dấn thân vào con đường mình yêu thích. Những đầu bếp trẻ Việt Nam sáng tạo ra những món ăn mới, làm bếp trưởng những nhà hàng đẳng cấp trong nước, viết sách về ẩm thực và tổ chức những chương trình phi lợi nhuận về ẩm thực đầy ý nghĩa… Chúng ta đang có một thế hệ đầu bếp trẻ bản lĩnh, đam mê và có trái tim ấm áp.
“Trước đây, việc học nghề chưa được coi trọng, thậm chí là lựa chọn sau cùng của các bạn trẻ khi trượt đại học. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại, kỷ nguyên số hóa, cần nguồn nhân lực có kỹ năng tốt, thì học nghề được xếp tương đương với học đại học. Chúng tôi hi vọng có thể giúp thế hệ trẻ có niềm tin, thay đổi cách suy nghĩ trong việc lựa chọn nghề nghiệp trước ngưỡng cửa cuộc đời”, đó là lời chia sẻ chân thành của đầu bếp - giảng viên Đỗ Công Nguyên, người từng từ bỏ ước mơ giảng đường lăn lộn với nghề bếp, từng đạt Huy chương vàng cuộc thi “Kỹ năng nghề ASEAN” và trở thành giảng viên Đại học.