Những nơi mèo được yêu thương, cưng chiều nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có một thực tế không thể phủ nhận rằng, ngày càng nhiều người ở các quốc gia trên thế giới dành tình yêu “vô bờ bến” với loài mèo và coi chúng như một thành viên trong gia đình. Thậm chí ở nhiều nơi, mèo là biểu tượng văn hóa và được yêu thương, cưng chiều hết mực.
Các “cư dân mèo” ở đảo Aoshima, Nhật Bản.
Các “cư dân mèo” ở đảo Aoshima, Nhật Bản.

Vương quốc của mèo

Mèo từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với con người và trở thành thú cưng yêu thích của nhiều gia đình. Thậm chí, để bày tỏ tình yêu, nhiều người còn gọi chú mèo của mình là “Hoàng thượng”, “boos”, còn bản thân là “con sen” phục vụ mèo.

Người Nhật Bản vốn nổi tiếng là cuồng mèo. Chỉ nhìn sơ qua văn hóa đại chúng của xứ sở Mặt trời mọc là bạn có thể dễ dàng nhận ra điều đó: mèo ảo Hello Kitty, mèo máy Doraemon, những quán cafe mèo, tai mèo điện tử có chức năng phản ánh trạng thái cảm xúc của người dùng, bộ truyện tranh A Man and His Cat… Ngoài ra còn có những địa điểm du lịch nổi tiếng như ngôi đền Gotokuji - quê hương của chú mèo may mắn Maneki Neko và ngôi đền Nyan Nyan Ji ở Kyoto, nơi có một nhà sư mèo thực thụ mang tên Koyuki.

Theo Hiệp hội Thức ăn vật nuôi Nhật Bản, đây là quốc gia duy nhất trên thế giới mà số lượng thú cưng còn nhiều hơn trẻ em. Cụ thể, Nhật Bản chỉ có 17 triệu trẻ em dưới 16 tuổi nhưng có gần 20 triệu chó, mèo. Cũng theo khảo sát của Hiệp hội, năm 2017 đánh dấu việc mèo trở thành thú cưng được nuôi nhiều nhất tại xứ sở Phù Tang, vượt mặt các chú khuyển.

Với những người yêu mèo tại Nhật Bản, “Neko no Hi – Ngày của mèo” là một dịp đặc biệt để những người chủ bày tỏ tình yêu và tận hưởng thời gian đặc biệt cùng các “boss” của mình. Theo đó, vào năm 1978, người Nhật đã tiến hành một cuộc bầu chọn trên khắp cả nước để tìm ra ngày thích hợp nhất làm ngày của mèo. Sau cùng, họ đã quyết định chọn ngày 22/02. Lý do là trong tiếng Nhật, số 2 đọc là “Ni” nên 22/02 là "Ni Ni Ni", gần giống với “Nya Nya Nya” - âm thanh tiếng mèo kêu (trong tiếng Nhật, "Nya" có nghĩa là “meo meo”).

Bên cạnh lễ hội về mèo, các “con sen” tại Nhật Bản còn cẩn thận chuẩn bị quà tặng cho “boss” để cảm ơn các chú mèo đã mang lại sự chữa lành và niềm vui cho họ trong cuộc sống hàng ngày. Tùy vào sức sáng tạo của từng người chủ mà các món quà sẽ khá đa dạng, có thể là món ăn hay đồ chơi mèo yêu thích và chờ xem phản ứng khi nhận quà của “boss” luôn là phần hấp dẫn được nhiều “con sen” hồi hộp mong đợi.

Tại Nhật Bản có tới 11 hòn đảo mà số lượng mèo sinh sống còn đông hơn cả người dân địa phương. Mọi người thường gọi những nơi này là đảo mèo. Đặc biệt là tại Aoshima, nơi có số lượng người dân sinh sống ít nhưng số lượng cá thể mèo lên đến hàng trăm con. Dân số tại đây chỉ khoảng 13 người nhưng có tới hơn 150 con mèo, đạt tỷ lệ 10:1.

Các “cư dân mèo” ở Aoshima bắt đầu xuất hiện trên đảo từ những năm 1900. Khi ấy, ngư dân thường xuyên bị chuột cắn phá trên thuyền. Họ buộc phải dùng mèo như giải pháp đơn giản, tiết kiệm nhất. Qua thời gian, những con mèo diệt chuột sinh sôi nảy nở và để lại đàn con cháu đông như hiện tại.

Rất may những người dân chài hiền lành sống gần bờ biển không cảm thấy phiền phức vì sự xuất hiện của lũ mèo. Họ tin tưởng rằng những người bạn bốn chân này tiên tri được thời tiết, mang tới may mắn và thịnh vượng. Thậm chí, quan hệ giữa hai bên ngày một khăng khít đến nỗi một ngôi đền thờ mèo đã mọc lên giữa đảo. Không chỉ vậy, trong các ngôi làng trên đảo, có hàng chục công trình lấy ý tưởng từ mèo, trong đó rất nhiều ngôi nhà được xây dựng với hình dáng dễ thương với tai mèo và những vằn sọc như màu lông mèo.

Hay trên hòn đảo Kadarashima cũng có thể xem như “thiên đường của mèo” vì không có bóng dáng con chó nào. Theo truyền thuyết, một con chó đã phản bội chủ nhân của mình, các vị thần ở đền Yasakajinja đã “nổi trận lôi đình” và tống cổ toàn bộ chó trên đảo đi. Điều này vô tình biến Kadarashima trở thành nơi lý tưởng cho loài mèo sinh sống và dần trở thành loài vật thân thiết và không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Thành phố Zelenogradsk, Nga - nơi mèo thống trị

Người Nga có câu, thế giới có hai kiểu người, một kiểu yêu mèo, kiểu kia thích chó hơn. Theo một kết quả khảo sát toàn cầu công bố năm 2017, người Nga yêu mèo nhất thế giới. 59% số người Nga nuôi ít nhất một con mèo trong nhà. Điều này càng được thể hiện rõ ràng nếu bạn có dịp đặt chân đến thành phố Zelenogradsk, thuộc tỉnh Kaliningrad.

Ở nơi này dường như bị những con mèo thống trị, chúng trở thành biểu tượng của thành phố, dù là không chính thức. Tại Zelenogradsk, mèo có mặt ở mọi ngóc ngách. Chúng không sợ người, thậm chí còn rất thân thiện, thích đuổi theo người làm quen và trêu đùa. Sự đáng yêu, dễ thương của những chú mèo dường như còn làm lu mờ biển cả, thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, hay các di tích kiến trúc cổ kính ở thành phố này.

Thành phố Zelenogradsk, Nga xây dựng nhà cho mèo ở khắp các con ngõ.

Thành phố Zelenogradsk, Nga xây dựng nhà cho mèo ở khắp các con ngõ.

Theo giới chức thành phố, có rất nhiều mèo con vô gia cư trên phố, chúng bị bệnh, tội nghiệp và “không có tương lai”. Để chúng không bị bỏ đói, thành phố cũng đã cho lắp đặt máy bán thức ăn khô tự động cho mèo, người dân và du khách có thể dễ dàng mua. Thành phố cũng chọn ra người chuyên chăm sóc mèo, với chức danh “đầu bếp mèo”. Người này nhận đồ từ các nhà hảo tâm và hàng ngày chuẩn bị khẩu phần ăn cho những chú mèo. “Đầu bếp mèo” cũng chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe cho mèo. Zelenogradsk cũng là thành phố đầu tiên ở vùng Kaliningrad triệt sản mèo hoang bằng tiền ngân sách địa phương.

Lạc lối ở “vương quốc mèo” Kuching, Malaysia

Thành phố Kuching, thủ phủ của bang Sarawak thuộc đảo Borneo, Malaysia được mệnh danh là thành phố mèo. Không chỉ bởi người dân yêu quý mèo mà còn vì những bức tượng, hình vẽ về loài mèo có mặt ở mọi nơi: đường phố, vỉa hè, công viên, cửa hàng, vòng xoay, biển báo giao thông...

Thành phố Kuching, Malaysia được mệnh danh là thành phố mèo.

Thành phố Kuching, Malaysia được mệnh danh là thành phố mèo.

Loài mèo có ý nghĩa quan trọng và được người dân ở đây yêu quý và hết mực cưng chiều. Những con mèo từng giúp người dân thành phố kiểm soát số lượng chuột gây bệnh dịch hạch vào những năm 1950. Do vậy mà người ta cũng tin rằng, chúng là con vật mang lại may mắn. Tên của thành phố đặt theo từ kucing, trong tiếng Mã Lai có nghĩa là mèo.

Đến thành phố Kuching, nhiều người không khỏi kinh ngạc vì số tượng mèo cũng như kích thước của chúng. Vừa bước vào cổng chào thành phố đã có một bức tượng mèo trắng khá lớn cao 1,5m. Theo người dân ở đây, tượng mèo trắng được hóa trang theo chủ đề các lễ hội lớn trong năm.

Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là bảo tàng mèo. Đây là bảo tàng về mèo đầu tiên trên thế giới này sở hữu khoảng 4.000 hiện vật liên quan đến mèo như tượng, tranh, ảnh, tem thư, đồ lưu niệm… Hiện vật cổ nhất là một xác ướp mèo thời Ai Cập cổ, ước tính có từ năm 3.500 trước Công nguyên. Bảo tàng còn lưu trữ rất nhiều thông tin có giá trị về lịch sử 5.000 năm của loài mèo và vai trò của chúng trong đời sống con người.

Chị Rochelle Carlos – du khách Philippines chia sẻ: “Tôi thấy rất ngạc nhiên khi đến đây. Tôi rất yêu mèo. Ở đây có tất cả mọi thứ liên quan đến mèo mà ở Philippines không có bảo tàng như thế này!”.

Istanbul - nhà của hàng ngàn con mèo

Ở một địa điểm nữa trên thế giới, loài mèo được yêu thương và sống vô cùng hạnh phúc. Đó là vùng đất cổ kính Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khi đến đây du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi số lượng lên đến hàng ngàn “chú mèo”. Lũ mèo xem đây như là một ngôi nhà thực thự của chúng, hiên ngang đi lại khắp mọi nơi trong thành phố, vờn quanh những vị khách du lịch với những cử chỉ âu yếm, lạ kỳ hơn khi bạn còn bắt gặp chúng đang nhâm nhi thưởng thức những cốc cà phê thơm ngọt.

Những con mèo hoang ở thành phố Istanbul sống thân thiện với loài người.

Những con mèo hoang ở thành phố Istanbul sống thân thiện với loài người.

Người dân ở đây không biết lũ mèo xuất hiện từ bao giờ, nhưng họ luôn dành tình cảm yêu thương cho những chú mèo, bằng nhiều hành động thiết thực ý nghĩa. Dọc theo từng vỉa hè, họ đặt từng đĩa thức thức ăn và nước uống một cách gọn gàng. Thậm chí người dân còn lập những chiếc thùng thiện nguyện dành riêng cho... mèo. Những số tiền sẽ được gom góp lại để dành chữa bệnh cho những chú mèo bị ốm hay bị thương. Nếu ai đó phát hiện một con mèo bị thương, họ cũng sẽ không ngần ngại mang chúng đến bệnh viện chữa trị cho đến khi khỏi hoàn toàn và sau đó mang mèo trở lại đường phố với cuộc sống trước đây của chúng.

Có thể thấy rằng, từ rất lâu loài mèo đã chung sống và mang lại niềm vui cho con người và cho đến ngày nay chúng tồn tại trong lịch sử đến văn hoá, dần trở thành món ăn tinh thần trong cuộc sống của nhiều gia đình.