Tương lai, người Việt hoàn toàn có thể tìm thấy nguyên liệu Việt Nam ở các cửa hàng, nhà hàng, quán cafe... trên khắp thế giới. Viễn cảnh ấy không phải là hão huyền nếu nhìn vào những viên gạch vững chắc đã được đặt trước cả hàng chục năm.
Những “viên gạch” nền móng đầu tiên
Các thương hiệu F&B (cafe, nhà hàng, fastfood, nước ngọt…) quốc tế tiến vào thị trường Việt Nam từ sau những năm 1990, tới nay đã khoảng 30 năm. Một trong những đơn vị Việt tiên phong trở thành đối tác cung ứng cho các thương hiệu nước ngoài là ABC Bakery, với việc cung cấp độc quyền bánh mì cho các brand fastfood. Doanh số của ABC Bakery từ việc cung ứng bánh burger cho thương hiệu F&B quốc tế cũng tăng theo từng năm, ban đầu chỉ là 2%, nhưng sau 10 năm (2013) đã vọt lên 25%.
ABC Bakery là đối tác cung ứng bánh burger cho McDonald’s tại Việt Nam |
Khi McDonald’s gia nhập thị trường Việt Nam đầu năm 2014, doanh số của ABC Bakery lại tiếp tục được dự đoán tăng mạnh. Nhưng để đạt được thoả thuận đó, thương hiệu của “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực cũng đã phải tổ chức từng dây chuyền sản xuất riêng, đảm bảo công thức bí mật và bị kiểm duyệt gắt gao từ từng nhãn hàng quốc tế.
Sự tăng trưởng doanh thu của ABC khi làm nhà cung ứng dù chỉ là một nguyên liệu nhỏ cũng đủ thấy hành trình gian lao của thực phẩm Việt để được xuất hiện trong các thương hiệu F&B quốc tế.
Tương tự như vậy, tương ớt - tương cà Cholimex thâm nhập vào Pizza Hut, Gà Tươi 3F trở thành nhà cung cấp thịt gà cho hệ thống Jolibee… cũng là những quá trình dài, cần nhiều sự chuẩn bị để đảm bảo cạnh tranh trong một thế giới phẳng.
Thứ các thương hiệu F&B nước ngoài cần là sự bình ổn về giá cả, chất lượng cao, nguồn cung ứng tại chỗ… Để thoả mãn các nhu cầu này, mỗi đơn vị cung ứng Việt Nam đều đã nỗ lực để chinh phục và có những thành công bước đầu như vậy. Những lát bánh, những miếng thịt gà, chai nước sốt… đã đặt những viên gạch vững chắc cho hành trình nguyên liệu Việt đi từ nông trại, nhà máy đến bàn ăn của các ông lớn ngành F&B thế giới
Đầu tư bài bản, tập trung chất lượng, nguyên liệu Việt có thể tiến xa hơn nữa
Bằng chứng là từ 2017 trở về đây, việc các nguyên liệu Việt đứng sau tên tuổi của các ông lớn ngành F&B đã phổ biến hơn và ngày càng thuận lợi hơn. Đó là quá trình tích lũy sản xuất, quy trình và rút kinh nghiệm từ những đơn vị đi trước để đáp ứng được tiêu chuẩn của các “ông lớn”.
Dám đầu tư, nâng cấp, thương lượng và cạnh tranh công bằng, nguyên liệu Việt đã chen chân vào hệ thống của các brand nước ngoài lớn, vượt qua thị phần fastfood ban đầu. Dalatmilk là một ví dụ. Hãng sữa này đã được chọn là đối tác cung cấp sữa tươi cho hàng loạt “đế chế” trong ngành F&B thế giới như Starbucks, Häagen-Dazs, The Coffee Bean and Tea Leaf, Angel-in-us Coffee…
Dalatmilk đang là lựa chọn của nhiều thương hiệu F&B quốc tế khi vào Việt Nam. Ảnh @kul.lntruong |
Trước khi được các thương hiệu đình đám thế giới lựa chọn, Dalatmilk – Di sản từ cao nguyên Lâm Đồng, đã được khách hàng trong nước vô cùng tin yêu. Chất lượng hàng đầu của các sản phẩm Dalatmilk không chỉ nhờ được hưởng những lợi thế tuyệt vời của vùng cao nguyên khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, mà còn nhờ công nghệ sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời chắt lọc những tinh hoa, bí quyết từ truyền thống chăn nuôi lâu đời. Sản phẩm Sữa tươi thanh trùng Dalatmilk đã thuyết phục hoàn toàn những “bếp trưởng pha chế” ở nhiều hệ thống cà phê, trà sữa, nhà hàng lớn của Việt Nam và thế giới, vì đáp ứng những tiêu chuẩn tinh tế về cấu trúc, hương vị, độ béo của bọt sữa khi sữa được đánh bông.
Trang trại Dalatmilk tại xã Tu Tra – Đơn Dương – Lâm Đồng |
Cà phê Vietnam Dalat cũng được đưa vào danh mục nguyên liệu và thành phẩm chế biến của Starbucks. Pizza 4P’s đã xây dựng các nông trại để trực tiếp thu hoạch rau củ và thảo mộc ở Việt Nam theo mô hình “From Farm To Table”, loại cua được sử dụng trong món mì cua “thần thánh” của Pizza 4P’s chính là cua thịt Cà Mau...
Nguyên liệu Việt ngày càng trở thành nguồn cung ứng lâu dài của nhiều thương hiệu F&B quốc tế hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam. Điều đó minh chứng cho hai điều: chất lượng của hàng Việt được ghi nhận, và các đơn vị cung ứng Việt Nam luôn không ngừng cải thiện, phát triển chất lượng đó để cạnh tranh và đưa hàng Việt gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.