Những “triệu phú dê” nơi biên cương Tổ quốc

(PLO) - Tại các xã vùng cao của huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) quanh năm mây phủ, cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Tuy nhiên, chính vì có nhiều địa hình đồi núi, cây cối nhiều hộ dân ở các xã biên giới đã tận dụng để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, thậm chí có những hộ đã có cơ nghiệp hàng trăm triệu nhờ mô hình chăn nuôi dê.
Nhờ tận dụng vùng đồi núi đá để nuôi dê, anh Triệu Văn Dắt (dân tộc Dao đỏ) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu
Nhờ tận dụng vùng đồi núi đá để nuôi dê, anh Triệu Văn Dắt (dân tộc Dao đỏ) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu

Những triệu phú ẩn mình nơi sơn cốc

Những ngày này, khi những cơn gió lạnh bắt đầu từng đợt ùa về, chúng tôi có dịp lên thăm xã biên giới Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, nơi có điểm du lịch nổi tiếng như thác Bản Giốc, chùa Phật Tích Trúc Lâm và động Ngườm Ngao. Những cung đường uốn lượn qua những chân đồi, dãy núi cao chót vót, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là cảnh từng tốp dê nhẩn 

nha kiếm ăn trên các triền núi. Không ngờ, ở miền đất huyện biên cương này lại còn nổi tiếng với mô hình phát triển chăn nuôi dê và trở thành “thương hiệu” của huyện Trùng Khánh. Cũng từ nuôi dê, nhiều hộ có cuộc sống sung túc, một số ít hộ còn được mệnh danh là “triệu phú” nuôi dê nổi tiếng khắp vùng.

Có lẽ khi nói đến ông Nông Đình Duy ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), hầu hết đều biết bởi vì ông là một trong những hộ nuôi dê đầu tiên và có số lượng con nhiều nhất huyện. Chuồng dê của ông Duy nằm gần đỉnh núi, sau nhiều đợt mua bán hiện tại trong chuồng có hơn năm chục con. Ông Duy cho biết, mùa này trời bắt đầu rét nên phải đến buổi trưa mới thả dê lên đồi núi, chăn nuôi lâu rồi nên giờ tối nó tự về chuồng. Sau nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi dê, ông làm hai chuồng dê ở hai quả đồi để thuận tiện trong việc đuổi về đàn và cho chúng dễ kiếm thức ăn.

Để có cơ nghiệp như hiện nay, ông đã rất vất vả và đi lên từng bước một. Năm 1997, từ nguồn hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhà ông Duy chăn nuôi 10 con dê. Ông tận dụng nguồn cỏ dồi dào sẵn có trên các đồi núi để phát triển đàn dê lên dần hàng năm, trung bình bán 20 - 25 con/năm. Nuôi dê không vất vả, không tốn nhiều thời gian, công sức và tiền nên ông phấn đấu mỗi tháng bán 2 con, được khoảng 5 triệu đồng, thu nhập cả năm đạt khoảng gần 100 triệu đồng.

“Tuy nhiên, nuôi dê không phải lúc nào cũng thuận lợi, những người nuôi dê không có kinh nghiệm khi bị dịch bệnh chắc chắn sẽ bị thiệt hại, lao đao. Nhiều gia đình mới nuôi đã làm chết hàng chục con do không có kinh nghiệm chăm sóc và đề phòng dịch bệnh. Tôi cũng từng chủ quan nên cũng bị tổn thất nhiều con dê mới rút ra kinh nghiệm, và gây lại đàn từ đầu, bây giờ thì tôi đã biết những đặc điểm của loài dê nên biết cách tránh ngay từ đầu để tránh bị thiệt hại, tổn thất lớn về sau” - ông Duy cho biết.

Với cương vị gần 20 năm làm Bí thư Chi bộ xóm, ông Duy không chỉ giỏi phát triển chăn nuôi, truyền đạt kiến thức nuôi dê cho những hộ khó khăn trong làng. Mỗi năm gia đình ông Duy luôn duy trì đàn dê từ 50 - 70 con, lúc cao điểm lên đến hơn 100 con. Ông đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở và cấp huyện nhiều năm liền từ năm 2012 đến nay nhờ nuôi dê và nuôi bồ câu lai, mỗi năm trừ các chi phí còn thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Đàn dê của gia đình ông Nông Đình Duy ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)
Đàn dê của gia đình ông Nông Đình Duy ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng)

Thoát khỏi đói nghèo nhờ chăn nuôi dê

Những năm nay, xóm Nà Tềnh thuộc xã Cần Nông (xóm giáp biên giới với Trung Quốc), huyện Thông Nông (Cao Bằng) cũng đang nổi lên với mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế và được chính quyền địa phương xác định là hướng đi mới góp phần giảm nghèo bền vững. Đây là địa phương có địa hình chủ yếu là đồi núi cao với 40 hộ dân sinh sống, 100% đều là người dân tộc Dao. 

Anh Triệu Văn Dắt, Trưởng xóm trẻ Nà Tềnh là một trong 5 hộ dân của xóm thực hiện hiệu quả mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt cho hay: “Dê là loài động vật ăn tạp, ít bị bệnh như các con vật nuôi như gà, vịt, lợn… được chăn thả tự nhiên trên các sườn đồi núi đá để ăn các loại cỏ, lá cây. Năm 2014, khi biết Hội Nông dân xã Cần Nông triển khai mô hình chăn nuôi dê sinh sản, tôi đăng ký tham gia. Được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, gia đình vay thêm vốn ngân hàng mua 6 con dê về nuôi.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên chết 2 con, gia đình kiên trì học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, ti vi và đi tham quan thực tế mô hình nuôi dê ở nhiều nơi. Hiện, gia đình duy trì nuôi từ 20 - 30 con và nhờ nuôi dê gia đình tôi đã vừa thoát khỏi hộ nghèo cách đây không lâu. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình bán hơn 10 con dê, trừ các chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng”.

Nhờ học hỏi theo anh Dắt, gia đình ông Triệu Tà Sính cùng xóm cũng đã nhanh chóng thoát nghèo nhờ phát triển mô hình nuôi dê trong năm qua. “Cách đây vài năm, gia đình tôi còn là hộ nghèo nhất nhì xóm, quanh năm chỉ trông chờ vào cây ngô trên nương rẫy mà không đủ ăn. Cuối năm 2014, thấy gia đình anh Dắt vay tiền mua dê nên tôi cũng làm theo, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm dê giống về nuôi thả, hiện nay đàn dê của gia đình đã sinh sản được trên 40 con, nhờ đó đời sống kinh tế hiện tại của gia đình tôi so với trước đã ổn định và khấm khá hơn”, ông Sính chia sẻ.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ, dám làm cộng thêm sự cần cù, nỗ lực những người dân nơi biên cương Tổ quốc xa xôi đã có thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm, không chỉ phát triển kinh tế gia đình ổn định mà còn khẳng định sự nhạy bén trong việc chăn nuôi, trồng trọt, phát huy đúng lợi thế, vùng núi đá cũng không thiếu cơ hội để làm giàu.

Với những tấm gương như gia đình anh Đàn, anh Dắt, ông Duy, ông Đạt… ở miền sơn cước đất khó đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu sẽ làm sáng lên chân lý rằng, chỉ cần có ý chí, tinh tế và dám nghĩ, dám làm thì hoàn cảnh sẽ được thay đổi, qua đó bà con trong vùng tự khắc sẽ học tập và noi theo.

Đọc thêm