Trả lời: Trong thực tiễn thi hành pháp luật, thủ tục khám xét (khám người, khám đồ vật, khám nơi ở, nơi làm việc) được thực hiện theo cả hai trình tự: khám xét theo thủ tục hành chính và khám xét theo trình tự tố tụng hình sự.
Khám xét theo thủ tục hành chính được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người vi phạm cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính hoặc địa điểm đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điều 127, 128 và Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Khám xét theo trình tự tố tụng hình sự là việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án (điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Việc khám xét dù theo trình tự hành chính hay tố tụng hình sự thì về cơ bản cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Trước khi khám phải thông báo hoặc đọc lệnh cho đối tượng bị khám biết.
- Đối với khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ.
- Đối với khám phương tiện, nơi ở, nơi làm việc thì phải có mặt người chủ sở hữu hoặc người quản lý và có người chứng kiến. Trường hợp không có chủ sở hữu hoặc người quản lý thì việc khám vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền và hai người chứng kiến.
- Không được khám vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Việc khám phải được lập thành biên bản theo luật định.
Khám xét khẩn cấp là trường hợp khám xét đặc biệt theo trình tự tố tụng hình sự và chỉ được thực hiện trong những trường hợp sau:
a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.