Những 'vết thương' tâm lý thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển công nghệ nhanh chóng nhưng đồng thời cũng là những nguy cơ tới cuộc sống của con người. Đáng nói, có hàng triệu lao động trên thế giới đã và đang đứng trước nguy cơ mất việc, khiến không ít người rơi vào trạng thái bất an, lo âu, tự ti, thậm chí là mắc bệnh trầm cảm.
Việc máy móc có thể thay thế con người khiến nhiều công việc trên toàn cầu nguy cơ bị mất đi. (Ảnh minh họa)
Việc máy móc có thể thay thế con người khiến nhiều công việc trên toàn cầu nguy cơ bị mất đi. (Ảnh minh họa)

Tâm lý lo âu thời 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển công nghệ nhanh chóng trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), kỹ thuật số, người máy, khoa học vật liệu, di truyền học,… Những tiến bộ khoa học công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng đồng thời cũng đem đến nhiều nguy cơ, điển hình nhất là nguy cơ mất việc do máy móc thay thế con người.

Một nghiên cứu năm 2017 của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC, trụ sở tại Anh), với hơn 10.000 người đến từ các quốc gia Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Anh và Mỹ, cho kết quả: 60% cảm thấy sẽ có ít người có việc làm ổn định, lâu dài trong tương lai; trong đó 37% lo lắng quá trình tự động hoá sẽ tăng rủi ro mất việc cho họ. Trong đó, có những công việc có nguy cơ bị máy móc thay thế cao hơn những công việc khác. Khoảng 49% công việc trong lĩnh vực vận tải sẽ trở nên lỗi thời, ngành tài chính ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi những tiến bộ công nghệ trong lịch sử đã ảnh hưởng đến những người lao động chủ yếu làm việc tay chân, không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn thì bối cảnh 4.0 có thể ảnh hưởng đến cả những lao động có tay nghề và chuyên môn cao. Ví dụ điển hình trên thực tế hiện nay là xu hướng sa thải hàng loạt nhân sự công nghệ trên toàn cầu đã xảy ra kể từ nửa cuối năm 2022 từ những tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Salesforce, Amazon, Meta, Google, Twitter,… đã khiến hàng vạn người lao động mất việc trên toàn cầu. Đầu năm 2023, xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề, tới hàng ngàn tỷ USD, kéo theo đó là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nạn thất nghiệp kéo dài do không có việc làm ổn định sau dịch bệnh. Do đó, áp lực trong công việc càng tăng lên, đặc biệt tại những quốc gia đang trên đà phát triển công nghiệp hoá và hiện đại hoá về mọi mặt, nhằm đáp ứng nhu cầu trên thế giới.

Như vậy, những tiến bộ công nghệ mới có thể loại bỏ hàng chục triệu việc làm, gây ra tác động lớn trong xã hội. Đặc biệt, những thay đổi tiềm năng này đặt ra nhiều vấn đề quan trọng từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của người lao động.

Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống con người, khi công việc trở nên khan hiếm, sự cạnh tranh cho các vị trí công việc sẽ tạo ra áp lực lớn hơn cho người lao động. Những người cố gắng giữ vị trí hiện tại phải tìm nhiều cách để chứng tỏ mình là người không thể thiếu đối với cấp trên. Bởi vậy họ sẵn làm quá giờ, nhận lương thấp hơn, thậm chí chịu nhiều bất lợi để duy trì công việc, theo phân tích của GS. Samoon Ahmad - Giáo sư Lâm sàng về Tâm thần học của Trường Y khoa Grossman (Đại học New York). Nắm bắt được tâm lý này, nhiều công ty, tổ chức sẵn sàng bóc lột sức lao động của nhân viên, yêu cầu họ làm nhiều hơn những gì trong hợp đồng yêu cầu, làm gia tăng thêm áp lực công việc với người lao động.

Trong xã hội hiện đại, mối lo ngại trong dư luận trên thế giới về việc thời gian làm việc ngày càng tăng, còn thời gian giải trí của con người ngày càng ít đi bởi mạng xã hội, email công việc và các nghĩa vụ khác khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng gần như hàng ngày, hàng giờ. Sự căng thẳng này kéo dài gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực về sức khoẻ. Các nghiên cứu tâm lý học trong doanh nghiệp cũng cho thấy, một môi trường đòi hỏi khắt khe về người lao động có tác động tiêu cực đến sự gắn kết và hiệu suất của người lao động và năng suất của toàn tổ chức cũng có thể bị ảnh hưởng nếu thái độ đó trở thành một dạng văn hoá doanh nghiệp “độc hại”.

Mặt khác, GS. Ahmad cũng phân tích, nhiều người có thể cảm thấy lo lắng hơn khi họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra một công việc ổn định. Tồi tệ hơn, một số có thể rơi vào tuyệt vọng nếu họ thiếu nguồn lực hoặc khả năng, kỹ năng nhất định để đáp ứng những yêu cầu công việc mới. Ngay cả với những người đã có được công việc đảm bảo thu nhập cơ bản, tránh khỏi tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm lâu dài, tâm trạng tiêu cực vẫn có thể là điều khó tránh khỏi. Họ thường cảm thấy cô đơn, bực bội hoặc tự ti, nhục nhã bởi không thể đáp ứng những kỳ vọng trong công việc. Có một số nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra một mối liên quan giữa tình trạng “không có việc làm” và nguy cơ gia tăng các vấn đề về sức khoẻ thể chất và tinh thần như cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, đau tim, rối loạn lo âu và phiền muộn…

“Căn bệnh” của thời đại công nghệ

Đại dịch COVID-19 là một minh chứng cho thấy những thay đổi trong cuộc sống là một trong các tác nhân gây ra sự căng thẳng, kéo theo đó là tác động đến cuộc sống của mọi người ở hầu hết các tầng lớp xã hội. Theo một khảo sát trên công cụ đo lường của Google, các từ khóa liên quan đến “stress”, “trầm cảm”, “rối loạn lo âu”, “mất ngủ”... có lượng tìm kiếm tăng đột biến trong những năm gần đây. Nguyên nhân không chỉ bởi dịch bệnh, cách ly mà còn bởi tốc độ chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ đang tác động đến mọi mặt trong cuộc sống con người, buộc họ phải nhanh chóng thích ứng.

Đáng nói, bệnh trầm cảm, được xem là một dạng rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất mát, còn được biết đến là “căn bệnh đáng sợ của thời đại công nghệ”. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2020 trầm cảm là căn bệnh thứ hai, chỉ sau bệnh tim mạch, về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người, đồng thời việc ruồng bỏ hay gạt sang bên lề người trầm cảm là vấn đề lớn ngăn cản nhiều người tìm đến các dịch vụ giúp đỡ. Tại châu Âu, ước tính có khoảng 165 triệu người đã và đang mắc các chứng rối loạn tâm thần. Xu hướng trầm cảm ở Việt Nam những năm gần đây cũng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Đứng trước những biến cố từ xã hội, áp lực của cuộc sống và khủng hoảng trong tâm lý, người trầm cảm thường rơi vào trạng thái rất cô đơn và bế tắc trước mọi suy nghĩ. Bên cạnh đó, sự vô tâm của gia đình, xã hội vô tình khiến căn bệnh trầm cảm trầm trọng hơn. Nhiều người đã đi vào guồng nghĩ quẩn và cuối cùng tìm đến cái chết.

Có thể thấy, quá trình phát triển khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 có ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ tâm thần của con người. GS. Ahmad chia sẻ với Psychology Today, chuyên trang tâm lý học của Mỹ: “Đối với chúng tôi, những người làm việc với tư cách là chuyên gia sức khỏe tâm thần, chúng tôi sẽ phải nhận thức sớm hơn về những hiện tượng toàn cầu của thời đại này để hiểu rõ hơn về các bệnh nhân của chúng tôi và cuộc đấu tranh nội tâm mà họ đang trải qua. Chúng ta cần phải nhận ra những tác động của bối cảnh tới cảm xúc và tâm trạng của con người, qua đó cảm thấy đồng cảm hơn với họ, đồng thời có thể giúp họ cảm thấy yên tâm hơn và cố gắng vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần”.

Giáo sư tâm lý học Norman Duncan, Phó Hiệu trưởng Đại học Pretoria – một trong những đại học lớn nhất tại nước Cộng hoà Nam Phi, đánh giá: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi kèm với sự phát triển của tự động hoá, kéo theo tình trạng mất việc làm hàng loạt, bởi vậy các nhà tâm lý học cũng sẽ có nhiệm vụ mới trong việc giúp mọi người ứng phó với các căn bệnh tâm lý trong thời đại 4.0.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là ngay cả một số chuyên gia, nhà trị liệu tâm lý cũng có những mối lo ngại trước sự tiến bộ của trí tuệ thông minh nhân tạo khi đã có những mô hình robot trị liệu có thể cung cấp một số dịch vụ cho con người. Nếu xu hướng này phát triển mạnh mẽ trong tương lai thì thậm chí chính những công việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cũng có thể đứng trước nguy cơ bị mất đi.