Là trang trại hay đất rừng?
Thời gian gần đây, Báo Câu chuyện Pháp luật nhận được đơn thư phản ánh của ông Lê Châu Chính (SN 1948, ngụ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) về việc “ UBND huyện Ninh Sơn Ban hành quyết định thu hồi nhưng không bồi thường về đất”.
Theo đó, hơn 374.000 m2 đất của gia đình ông Chính canh tác hợp pháp từ năm 1998 đã bị thu hồi để thực hiện dự án Tuyến kênh chính đập dâng Tân Mỹ đoạn qua thị trấn Tân Sơn, xã Quảng Sơn và Mỹ Sơn.
Ông Chính cho biết năm 1998, UBND huyện Ninh Sơn ban hành Quyết định số 31/QĐ-KTUB ngày 24/2/1998 về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp cho gia đình ông với diện tích 927.700 m2. Gia đình ông khai hoang thêm 2 hecta, như vậy tất cả diện tích mà ông quản lý, sử dụng là 947.700 m2.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại theo Nghị quyết 03/2000/CP, ông Chính lập phương án xin chuyển đổi 947.700 m2 đất sang đất trang trại VACR (Vườn- ao- chuồng- rừng) và gửi các cấp, ngành phê duyệt vay vốn đầu tư. Phương án trên được Phòng Kinh tế và Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn phê duyệt năm 2000. Theo công văn số 279/SNNPTNT – NN ngày 17/5/2001 “v/v xác nhận phương án kinh tế trang trại của gia đình…”.
Cũng theo ông Chính, nếu nhà nước thu hồi đất trang trại của gia đình ông Chính để thực hiện Dự án, ông hoàn toàn ủng hộ nhưng phải bồi thường và hỗ trợ đất trang trại của gia đình theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo Khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai 2003 thì “Hộ gia đình cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất kinh doanh đã được UBND Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh xét duyệt”.
Đất không thuộc 3 loại rừng vẫn tính là... đất rừng?
Tháng 9/2007, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 241/2007/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007-2015 thì vùng đất của gia đình ông Chính đã đưa ra khỏi 3 loại rừng.
Theo công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận khẳng định “đất của ông Lê Châu Chính đã đưa ra ngoài 3 loại rừng, có sơ đồ và tọa độ X, Y”.
Sau khi được UBND tỉnh Ninh Thuận chuyển ra khỏi 3 loại rừng năm 2007, ông Chính và gia đình tiếp tục sản xuất ổn định không tranh chấp phù hợp với quy hoạch. Hiện nay, diện tích đất trang trại của ông Chính đã chia cho các con ông mỗi người một phần cùng làm trang trại chăn nuôi.
Để làm rõ vấn đề trên, ngày 17/5/2017, phóng viên đã làm việc với UBND huyện Ninh Sơn. Ông Võ Đình Vinh – Chủ tịch UBND huyện cho biết mặc dù đất của hộ ông Chính đang canh tác không thuộc 3 loại rừng và đã có chủ trương chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, nhưng từ năm 2007 đến nay, huyện vẫn chưa quy hoạch khu vực đất mà ông Chính đang canh tác vào mục đích sử dụng gì.
Ông Vinh cũng cho biết thêm, công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án đập dâng Tân Mỹ gặp nhiều khó khăn, UBND huyện đã nhận được nhiều chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận để tháo gỡ nhiều vướng mắc. Riêng hộ ông Chính, với diện tích rất lớn phải tính toán lại hạn mức mà một hộ gia đình được bồi thường, hỗ trợ.
Gia đình ông Chính cũng đã được bồi thường về đất ở lô số 1 và lô số 2. Riêng phần diện tích hơn 374.000 m2 mặc dù không thuộc đất 3 loại rừng nhưng cũng chưa có quy định về mục đích sử dụng nào khác nên khi thu hồi vẫn tính theo mức hỗ trợ của đất rừng được giao...
Ông Chính trình bày bức xúc về vụ việc của gia đình |
Hiện tại, trong 43 hecta bị thu hồi của gia đình ông Chính dự án đập dâng Tân Mỹ đang được thi công. Tuy nhiên ông Chính giữ lại 50m đoạn kênh chính giữa, không cho thông nước với mục đích chờ khi nào các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đền bù và hỗ trợ thỏa đáng xong sẽ bàn giao hết.
Trước đó, ngày 14/5/2017, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ninh Sơn, Trung tâm phát triển quỹ đất Ninh Thuận, UBND thị trấn Tân Sơn xem xét, rà soát lại trường hợp thu hồi đất của hộ ông Chính và các hộ dân khác đến nay chưa chấp hành bàn giao mặt bằng.
Xác định việc xác nhận nguồn gốc đất của chính quyền địa phương và việc áp giá bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Chính và các hộ dân khác là đúng (hay chưa đúng) pháp luật. Có văn bản báo cáo kết quả và đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật trước ngày 27/5/2017.
Giải quyết vấn đề cần dựa trên luật định
Nói về vụ việc này, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP.HCM nhận định, khu đất của của hộ ông Chính sử dụng bị thu hồi đất có liên quan đến 3 dự án (Dự án thủy điện Thượng Sông Ông, Tuyết kênh chính đập dân Tân Mỹ, Tuyến đường TC2).
Riêng Dự án thủy điện Thượng Sông Ông đã thu hồi theo Quyết định 2456/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 nhưng hộ ông Chính không được bồi thường nên ông Chính có khởi kiện hành chính ra Tòa.
Trong các Quyết định về thu hồi cho Dự án kênh Tân Mỹ và dự án tuyến đường TC2 của hộ ông Chính không nêu rõ loại đất gì. Sau đó đến các quyết định bồi thường cũng không nêu rõ căn cứ pháp luật để xác định đất không đủ điều kiện để bồi thường về đất.
Đến nay, phía UBND huyện Ninh Sơn vẫn chưa có văn bản chính thức nào về căn cứ pháp luật để xác định ông Chính không đủ điều kiện được bồi thường về đất. Chính quyền lại có những ý kiến không chính thức và không căn cứ vào điều khoản văn bản pháp luật nào để giải quyết, trong đó có các vấn đề như:
Dẫn chiếu đến trước đây, dự án thủy điện Thượng Sông Ông đã thu hồi nhưng ông Chính không được bồi thường. Để thuyết phục hơn còn viện dẫn đến bản án hành chính tháng 4/2016 của Tòa án trong một vụ án hành chính trước đó (tuyên án trước khi ra quyết định thu hồi đất tháng 12/2016) và không liên quan đến các quyết định thu hồi, quyết định bồi thường ngày 26/12/2016.
Việc dẫn chiếu này là không đúng quy định pháp luật về hiệu lực bản án và cũng cho thấy chính quyền vẫn chưa dựa vào văn bản pháp luật, vẫn làm theo lề lối làm việc cũ, trước xử sao thì sau cứ vậy mà giải quyết.
Quyết định 241/2007/QĐ-UBND tỉnh Ninh Thuận về quy hoạch rừng phòng hộ và theo Luật đất đai 2003 thì chính quyền đã quyết định loại đất, có giá trị hiệu lực trên toàn tỉnh Ninh Thuận, do đó khu đất của ông Chính được xác định không phải rừng phòng hộ và phù hợp với Công văn 636/CCKL-QLBVR.
Mặt khác, từ Luật đất đai 1993 (đất lâm nghiệp) đến Luật năm 2003 và năm 2013 (đất rừng sản xuất, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ) đã có sự thay đổi tên từng loại đất càng cụ thể hơn. Tuy nhiên căn cứ vào Điều 10 Luật đất đai 2013 thì khu đất này được xác định là đất trồng cây lâu năm, không thể còn xác định là đất rừng.
Về đất của hộ gia đình ông Chính đã rõ ràng về nguồn gốc sử dụng, với cách lập luận và căn cứ giải quyết không dựa theo văn bản pháp luật của UBND huyện Ninh Sơn thì ông Chính nên khiếu nại về quyết định bồi thường để UBND huyện Ninh Sơn phải có văn bản chính thức nêu rõ căn cứ pháp luật áp dụng, nếu không thỏa đáng thì ông Chính có quyền khiếu nại lên UBND tỉnh hoặc khởi kiện ra Tòa án. Tòa án sẽ căn cứ vào quy định trong các văn bản pháp luật để giải quyết đúng vụ việc.
“UBND huyện Ninh Sơn cần xem xét lại và căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết?”, Luật sư Phượng nói.