Ninh Thuận: Sông Dinh tan hoang vì “ma trên đất”: Bài 1: Điểm mặt những “ông lớn”

(PLVN) -  Từ một dòng sông hiền hòa bao đời nay, sông Dinh trở nên biến dạng như vừa mới bị trút xuống hàng trăm tấn bom đạn. Thủ phạm họ là những “ông lớn” khai thác khoáng sản, người địa phương gọi là “ma trên đất” …
Đại công trường khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên sông Dinh được người dân xác định là của ông H.X.T
Đại công trường khai thác, chế biến khoáng sản trái phép trên sông Dinh được người dân xác định là của ông H.X.T

“Mẹ thiên nhiên” cầu cứu…

Trung tuần tháng 9/2023, quá trình theo dõi và thâm nhập vào điểm nóng dọc theo sông Dinh đoạn qua xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận), PV Báo Pháp luật Việt Nam đã nhói lòng khi chứng kiến những gì đang xảy ra trên dòng sông Dinh hiền hoà.

Trên sông, những “bóng ma nhỏ” (người làm công cho các ông chủ lớn - PV) xuất hiện trong đêm khuya lúc ẩn lúc hiện dưới ánh trăng thu vật vờ đáng sợ. Các “ông lớn” phân công cụ thể: Người làm nhiệm vụ cảnh giới; vận hành máy hút cát; chạy xe múc; điều khiển xe ben ra vào lấy cát…

Trên sông nhưng không khác gì “đại công trường” khi tiếng gầm rú của các động cơ như tranh nhau hết công suất. Nào là máy hút, máy sàng rửa, tiếng xe vận chuyển … tạo ra một âm thanh chát chúa, inh tai nhức óc. Tất cả máy móc đang quần thảo dưới lòng sông từ ngày này qua tháng nọ...

Xe chở đất đưa về đổ xuống sông Dinh sàng rửa để lấy cát, sỏi.

Xe chở đất đưa về đổ xuống sông Dinh sàng rửa để lấy cát, sỏi.

Chiến lợi phẩm của các “bóng ma trong đêm” để sáng mai ra là rất nhiều núi cát, sỏi, đá đang chờ “hô biến”... thành po-ly-me (tiền). Một người dân bức xúc: “Ngoài việc khai thác quá mức gây hậu quả sạt lở nghiêm trọng nhiều nơi, thì tình trạng tiếng ồn của các động cơ khai thác khoáng sản, cũng như tiếng xe ben vận chuyển cát sỏi kéo dài từ nhiều năm nay không thể chịu nổi. Chúng tôi phải cố chịu đựng vì “ma trên đất” ở đây đều là những nhân vật có “máu mặt”. Họ có tiền là họ có quyền có sợ gì ai đâu…”

Điểm mặt “ma trên đất”

Theo tìm hiểu của PV, hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Dinh, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Sơn lâu nay chủ yếu của hai “ông lớn” là ông H.X.T. và Công ty P.T.Đ. Trong đó, các điểm khai thác, chế biến khoáng sản của ông H.X.T có quy mô rất lớn và gần như hoạt động bất kể ngày đêm.

“Trước đây hoạt động khai thác có giấy tờ thì còn chừng mực, nay hoạt động “chui” nên bất chấp, làm như đi ăn cướp cũng không bằng” - một người dân ngán ngẩm.

Công ty P.T.Đ tổ chức sàng rửa cát sỏi ngay bãi tập kết.
Công ty P.T.Đ tổ chức sàng rửa cát sỏi ngay bãi tập kết.

Qua tìm hiểu được biết, ông T. là nhân vật “quyền lực” trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại xã Mỹ Sơn. Ngoài việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông Dinh đem đi bán, ông T. còn sử dụng đoạn sông này làm “đại công trường” chế biến khoáng sản. “Quyền lực” thể hiện rõ nét nhất là qua hoạt động khai thác, chế biến đều diễn ra rất công khai. Tuy nhiên, không dễ để tiếp cận vì dường như tất cả luôn đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với người lạ mặt, kể cả người địa phương. Theo PV quan sát, xung quanh các điểm hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản của ông T. đều có chòi canh gác. Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện nhiều Camera được gắn khắp nơi, gần như không bỏ sót “điểm chết” nào.

Dòng sông Dinh bị băm nát do khai thác khoáng sản quá mức.

Dòng sông Dinh bị băm nát do khai thác khoáng sản quá mức.

Cách nơi này không xa, cũng trên khúc sông thuộc xã Mỹ Sơn, Công ty P.T.Đ hoạt động khai thác, chế biến cũng nhộn nhịp không kém. Tại đây, vòi hút cát cắm sâu vào lòng hồ, máy móc hoạt động liên tục. “Họ làm công khai, hủy hoại môi trường, vi phạm pháp luật, xem chính quyền có mắt như mù”- một người dân uất ức.

“Hô biến” đất đồi thành cát sông Dinh

Cuối tháng 9/2023, PV đã bám theo những chiếc xe ben từ dưới sông Dinh chạy lên, rồi lao vun vút về phía cầu Tân Mỹ, sau đó rẽ vào con đường bùn lầy để vào mỏ đất ở núi Hồn Dồ (thuộc thôn Tân Mỹ xã Mỹ Sơn). Và chỉ trong tích tắc, những chiếc xe này quay ngược hành trình trở về đổ đất xuống dòng sông Dinh rửa lấy cát, chiêu thức “hô biến” đất đồi thành cát sông Dinh để đánh lừa người tiêu dùng.

Tại đây, máy sàng, máy hút hoạt động liên tục tạo nên những núi cát, núi sỏi và cuối cùng múc đưa lên những chiếc xe ben mang BKS 85…, 49… nối đuôi nhau chạy đêm chạy ngày trên tuyến QL 27 đi tiêu thụ.

Dòng sông loang lổ dày đặc những “hố bom”.

Dòng sông loang lổ dày đặc những “hố bom”.

Theo tìm hiểu, hiện cát khai thác ở sông Dinh được các “ông lớn” bán ra với giá khá cao, từ 210.000 - 220.000đ/m3. Và thị trường tiêu thụ chủ yếu hiện nay là TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi ngày, ước tính có đến hàng trăm tấn cát, sỏi được đưa ra khỏi lòng sông Dinh…

Hậu quả là sau một thời gian dài oằn mình trước nạn khai thác khoáng sản quá mức, khúc sông này trở nên tan hoang, nham nhở. Còn các “ông lớn” thu tiền về túi riêng nhiều đến mức “coi trời bằng vung”. “Người dân địa phương ai nghe tên cũng đã khiếp sợ vì họ nhiều tiền lắm anh!” – một người dân tỏ ra e ngại khi nói.

Đọc thêm