Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), một số DN được cấp mỏ đất làm vật liệu san lấp, dù đã hết hạn so với GPKTKS nhiều năm, vẫn chưa thực hiện các nghĩa vụ liên quan việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.
Mới đây, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã kiểm tra và cho biết, với Cty TNHH MTV Duy Thái; Cty CP Đầu tư & Xây dựng Việt Long, GPKTKS đã hết hạn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ. Tại hiện trường, dù hoạt động khai thác đã ngưng nhưng khu vực mỏ vẫn ngổn ngang nhiều hố sâu, chưa thực hiện trồng cây phục hồi môi trường.
Với Cty Việt Long, được UBND tỉnh cho phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu vào năm 2015 với thời gian cấp phép khai thác 5 năm. Từ 2020 đến nay, Sở TN&MT đã liên tục có các văn bản thông báo hết hiệu lực giấy phép khai thác và đề nghị đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường nhưng đến nay Cty này vẫn chưa thực hiện.
Ngày 12/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt Cty Việt Long số tiền 575 triệu đồng, buộc DN nộp lại số tiền thu bất hợp pháp là hơn 141 triệu đồng.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với Cty TNHH Xây dựng Bảo Thái số tiền 130 triệu đồng. Nguyên nhân, dù GPKTKS hết hiệu lực nhưng Cty này không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước thẩm quyền.
Ngoài ra, tại Phong Điền, một số mỏ đất làm vật liệu san lấp dù đã thực hiện trồng cây phục hồi môi trường, san lấp mặt bằng và rào chắn ngoài khu mỏ nhằm bảo đảm an toàn theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt; nhưng còn sơ sài, cây xanh trồng bị chết hàng loạt.
Theo ông Thân Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng TN&MT, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường với các GPKTKS đã hết hiệu lực theo quy định.
Để công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn ngày càng chặt chẽ, Phòng TN&MT tham mưu UBND huyện đề nghị Sở TN&MT xem xét, xử lý về hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ với Cty TNHH MTV Duy Thái. Tiếp tục thi hành quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh với Cty Việt Long. Đồng thời, yêu cầu Cty này thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác và trả lại đất cho UBND tỉnh thu hồi giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch.
Được biết, trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có 41 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp với diện tích 864,5ha. UBND tỉnh đã cấp phép 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng diện tích khoảng 125ha, trữ lượng hơn 9,7 triệu m3, công suất khai thác 2,3 triệu m3/năm.