Vụ việc đã được các cơ quan Trung ương chỉ đạo giải quyết, xem xét quyền lợi cho người dân, nhưng tỉnh Ninh Thuận không nhìn thẳng vào sự thật mà trả lời chung chung là “đã giải quyết”.
Đất ở hợp pháp bị “cắt bớt”
Như đã phản ánh, ngày 31/10/2011, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) có các quyết định thu hồi đất đối với gia đình ông Ái và nhiều hộ dân khác. Riêng đất nhà ông Ái có tổng diện tích 3.740m2, có 4 hộ sinh sống; ông Ái làm đại diện đã liên tục có đơn khiếu nại vì cho rằng việc áp giá đền bù không thỏa đáng.
Theo đó, thửa đất 162, tờ bản đồ số 16b diện tích 362m2 gia đình ông Ái sử dụng làm đất ở từ trước năm 1975, nhưng chỉ được bồi thường 123,21m2 theo giá đất ở, diện tích còn lại đền bù theo giá đất trồng cây lâu năm. Sau khi khiếu nại, TP Phan Rang - Tháp Chàm nâng diện tích đất ở lên 192m2, nhưng ông Ái không đồng ý. Trả lời ông Ái, chính quyền hai cấp ở tỉnh Ninh Thuận cho rằng, căn cứ vào bản đồ 299 và sổ đăng ký ruộng đất năm 1987 thì thửa đất trên chỉ có 192m2?
Thực tế hồ sơ cho thấy, nguồn gốc đất của ông Ái có trước ngày đo vẽ bản đồ và lập sổ đăng ký ruộng đất, nên việc ông Ái yêu cầu bồi thường 362m2 đất ở là hoàn toàn có cơ sở, đúng pháp luật cần phải được xem xét đền bù.
“Đất nhà tôi ở ổn định từ trước giải phóng, theo luật thì được bồi thường đất ở, được bố trí tái định cư và đền bù chi phí đầu tư trên đất, nhưng chính quyền chỉ đền bù 192m2 đất ở là không đúng, trái với Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ. Việc đo vẽ bản đồ và công bố diện tích đất không đúng với thực tế gia đình tôi không ai hay biết; trong khi đó trên thửa đất này có 4 hộ gia đình sinh sống, sao không xem xét cho gia đình tôi”, ông Ái bức xúc.
Khi những bất cập trong công tác đền bù đang bị gia đình ông Ái khiếu nại, thì UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm ra quyết định cưỡng chế, sau đó cho xe và lực lượng ủi nát tài sản của gia đình ông.
Đau đớn nhìn tài sản của mình gây dựng bao nhiêu năm bị san phẳng trong chốc lát, cả gia đình ông Ái liên tục có đơn kêu cứu nhưng chính quyền hai cấp tỉnh Ninh Thuận vẫn né tránh, trả lời vòng vo.
Điều gây bức xúc trong dư luận là sau khi cưỡng chế thu hồi đất, UBND tỉnh Ninh Thuận không bố trí đất ở cho các hộ dân có đất bị thu hồi với giá đất tương ứng thì tỉnh này lại đem phân lô bán đấu giá cao gấp nhiều lần dẫn đến khiếu nại vượt cấp kéo dài tại địa phương.
Phớt lờ chỉ đạo của Trung ương
Rất nhiều văn bản trả lời của UBND tỉnh Ninh Thuận không đi thẳng vào nội dung khiếu nại của ông Ái là dựa vào văn bản pháp luật nào thu hồi đất để bán đấu giá? Ông Ái mang đơn ra Hà Nội gõ cửa kêu cứu.
Ngày 04/7/2014, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận với nội dung:… Qua tiếp, nghe công dân trực tiếp phản ánh và xem xét hồ sơ do công dân cung cấp: Việc thực hiện Dự án trên UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm và Hội đồng đền bù, bồi thường thành phố thu hồi đất của các hộ dân để bán đấu giá. Tuy nhiên việc đền bù, bồi thường cho các hộ dân không được đảm bảo về quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Cụ thể: Dự án thu hồi đất của các hộ dân thuộc loại dự án kinh tế, dự án đầu tư sử dụng đất bán đấu giá sinh lời, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, do vậy chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định tại Điểm 2 Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Việc áp giá đền bù, bồi thường, bố trí tái định cư (05 hộ gia đình mà chỉ bố trí 01 suất tái định cư) chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành dẫn đến việc các công dân khiếu tố vượt cấp…Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, giải quyết nội dung khiếu nại, trả lại quyền lợi hợp pháp về đất đai cho công dân…”.
Ngày 09/10/2015, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lẽ ra, sau khi có chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Ninh Thuận trả lời cho công dân biết việc thu hồi đất để bán đấu giá có đúng với quy định của pháp luật hay không thì lại né tránh, trả lời chung chung là đã giải quyết bằng các quyết định vào năm 2013 và “hướng dẫn” ông Ái khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án (?).
“Tôi chấp hành chủ trương của Nhà nước thu hồi đất để làm khu tái định cư chứ không chấp nhận thu hồi để bán đấu giá. Luật đất đai đã quy định rõ trường hợp nhà tôi không thuộc diện bị Nhà nước thu hồi, nếu thu hồi đất để bán đấu giá phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư và người sử dụng đất”, ông Ái cho biết.
Qua vụ việc khiếu nại kéo dài của công dân, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận trả lời việc thu hồi đất của ông Ái để bán đấu giá có đúng với quy định của pháp luật hay không để trả lại quyền lợi cho công dân. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng khiếu nại kéo dài ở địa phương.