Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 đã quy định rõ tranh chấp lao động (LĐ) tập thể bao gồm tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích, mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp LĐ và đình công đến tất cả các đơn vị có sử dụng LĐ theo quy định, đồng thời bỏ quy định về Hội đồng hoà giải cơ sở và không cho phép đình công đối với các tranh chấp LĐ tập thể về quyền.
Hòa giải tranh chấp không được như kỳ vọng
BLLĐ bổ sung thẩm quyền hoãn và ngừng đình công cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng và giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời bổ sung quyền đóng cửa tạm thời DN của người sử dụng LĐ trong thời gian đình công .
Dù bổ sung nhiều quy định tiến bộ nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật không được như kỳ vọng. Theo nhận định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thì nguyên nhân một số vụ hòa giải không thành chủ yếu từ phía DN vắng mặt không lý do tại các buổi hòa giải. Người LĐ đa số là người tạm trú, thuê nhà, thuê phòng nơi ở thường không cố định dẫn đến việc gửi thư mời giải quyết chậm, không đúng địa chỉ hoặc không có địa chỉ ghi trong đơn khiếu nại.
Trên thực tiễn, các cuộc đình công xảy ra không đúng theo trình tự pháp luật, đình công tự phát không có sự lãnh đạo của tổ chức Công đoàn. Cũng là bởi do BLLĐ quy định các bước của quy trình tổ chức đình công có thời gian thực hiện quá dài mới tiến hành tổ chức đình công, nên những bức xúc tức thời không được DN kịp thời giải quyết khiến người LĐ phải bộc phát đình công.
Khi xảy ra đình công không theo đúng trình tự, thủ tục quy định, do yêu cầu phải đảm bảo an ninh trật tự, tài sản, tính mạng của DN và người LĐ nên Tổ liên ngành ở hầu hết các tỉnh phải đến hiện trường để kiểm soát không để xảy ra manh động, nếu chờ Quyết định của UBND tỉnh tuyên bố cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục thì mới xử lý thì không kịp thời. Do vậy, thời gian qua, đa số các tỉnh không thực hiện đúng các thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều 222 BLLĐ về xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục.
Hiện tại Bộ luật Lao động chưa có quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp người lao động tham gia đình công không đúng trình tự pháp luật gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo quy định Bộ luật Lao động thì quy trình tổ chức các bước thực hiện đình công là quá dài, do vậy những bức xúc tức thời của người lao động không được doanh nghiệp giải quyết kịp thời nên rất dễ xảy ra các cuộc đình công tự phát không đúng trình tự pháp luật và không có sự lãnh đạo của tổ chức công đoàn.
Đóng cửa tạm thời nơi làm việc khi có đình công: Thực hiện thế nào?
Điều 210 BLLĐ quy định, ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người LĐ. Theo nhận định của Bộ LĐTBXH, để thực hiện được điều này cần quy định rõ “đề nghị của người LĐ” như hình thức, thời gian, chủ thể , nội dung, trình tự, thủ tục để người LĐ đề nghị, đồng thời quy định thẩm quyền cụ thể của công đoàn cấp trên cơ sở trong tổ chức và lãnh đạo đình công.
Hơn nữa, Điều 216, 217 BLLĐ quy định về thông báo quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc và trường hợp cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc. Tuy nhiên, đóng cửa tạm thời nơi làm việc là vấn đề hết sức mới của BLLĐ 2012, vì vậy cần được hướng dẫn về các điều kiện để DN thực hiện quyền này, thời gian tối đa được phép đóng cửa tạm thời nơi làm việc, chế độ của người LĐ khi người sử dụng LĐ đóng cửa tạm thời nơi làm việc,...
“Đề nghị ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể và dễ thực hiện giúp người LĐ tổ chức các cuộc đình công, ngừng việc trên cơ sở tổ chức công đoàn lãnh đạo theo đúng quy định pháp luật” – đánh giá về 3 năm thực hiện BLLĐ 2012 của Bộ LĐTBXH nêu. Bộ này đồng thời cũng đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách giải quyết kịp thời các quyền lợi của người LĐ (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…) đối với các vụ ngừng việc tập thể, đặc biệt là các DN có chủ bỏ trốn để có căn cứ giải quyết chế độ cho người LĐ khi xảy ra tranh chấp LĐ.
Một nội dung quan trọng khác mà Bộ LĐTBXH đề nghị bổ sung vào BLLĐ nhằm đảm bảo quy định pháp luật được áp dụng vào thực tiễn, đó là cần có quy định chế tài cụ thể về việc bồi thường thiệt hại đối với trường hợp người LĐ tham gia đình công không đúng trình tự pháp luật gây thiệt hại cho DN. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về đình công do tranh chấp LĐ tập thể về lợi ích, để phù hợp với thực tiễn và cam kết trong hội nhập.