Nỗ lực cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh

(PLVN) - Đánh giá chi phí tuân thủ pháp luật và giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật là nhiệm vụ hết sức khó khăn, cần sự nỗ lực, trách nhiệm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục có những chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19; tích cực giải quyết nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; chú trọng triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động xây dựng các chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh…

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng trong thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Chẳng hạn, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn rời rạc, thiếu sự đồng bộ và chia sẻ, kết nối liên thông. Việc thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến còn chưa thường xuyên, hiệu quả, nhất là do đa số người dân ở khu vực nông thôn chưa quan tâm nhiều đến việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công ích trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.

Việc bố trí các điều kiện bảo đảm thực hiện việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chưa chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phản ánh các quy định còn bất cập trên thực tế thi hành cũng như những vướng mắc gặp phải trong việc thi hành pháp luật…

Để triển khai kịp thời, thực chất và hiệu quả nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số, duy trì và nâng xếp hạng Chỉ số B1, góp phần cải thiện điểm số, năng cao thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện các quy định chưa phù hợp, tạo gánh nặng, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 trong tình hình mới.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số B1; tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Quan tâm kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; bố trí đủ kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện điểm số, duy trì thứ hạng chỉ số B1.

Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ pháp luật, đặc biệt là kỹ năng, nghiệp vụ rà soát, đánh giá các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh để cắt giảm các chi phí tuân thủ pháp luật không hợp lý mà người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phản ánh các quy định còn bất cập trên thực tế thi hành.

Chi phí tuân thủ pháp luật (TTPL) được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp (DN), người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật (PL). Chi phí TTPL bao gồm:

Chi phí hành chính: chi phí về nhân công và thời gian mà DN, người dân phải gánh chịu để thực hiện các yêu cầu của PL, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) với cơ quan nhà nước và các nghĩa vụ khác (ví dụ: lưu giữ thông tin hoặc cung cấp thông tin cho khách hàng, người tiêu dùng…).

Chi phí đầu tư để tuân thủ quy định: chi phí mà DN, người dân phải đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, nhân công, đào tạo,… để đáp ứng các yêu cầu theo PL.

Phí, lệ phí: các khoản phí, lệ phí chính thức mà DN, người dân phải nộp trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan.

Chi phí rủi ro pháp lý (nếu có): chi phí tăng thêm, thiệt hại hoặc mất cơ hội KD mà DN, người dân phải gánh chịu do chất lượng kém của quy định PL dẫn đến bị xử phạt hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm