Nỗi niềm doanh nghiệp “sa lầy” trong vụ kiện cảng Kê Gà

(PLO) - Bỏ hàng chục tỷ đầu tư du lịch theo chủ trương kêu gọi của tỉnh nhưng nửa chừng lại bị thu hồi đất cho một dự án khác. Nhiều năm lao đao vì khó khăn và không được bồi thường theo quy định, một doanh nghiệp phải chọn con đường đâm đơn ra toà kiện cơ quan đã từng mời gọi mình.
Ông Vũ Chí Công mong sớm được cơ quan chức năng giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật.
Ông Vũ Chí Công mong sớm được cơ quan chức năng giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật.

“Thủ phủ nghỉ dưỡng” hóa dự án cảng

Một nguồn tin từ TAND tỉnh Bình Thuận cho biết, Công ty TNHH Vạn Trụ (tên cũ là Công ty Đức Hạnh) đã nộp đơn khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra toà để yêu cầu được bồi thường thiệt hại trong việc dừng quy hoạch cảng Kê Gà cách đây bốn năm.

Cụ thể, ngày 24/7/2018 vừa qua, TAND tỉnh Bình Thuận đã ra thông báo thụ lý vụ án hành chính. Người khởi kiện là Công ty TNHH Vạn Trụ (địa chỉ: thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận); người bị kiện là UBND tỉnh Bình Thuận; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Vạn Trụ yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho Vạn Trụ, làm cơ sở cho TKV tiến hành bồi thường với số tiền trên 29,4 tỷ đồng.

Được biết, trong đầu tháng 10/2018, dự kiến Toà án sẽ mời đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và TKV, cùng đại diện Vạn Trụ lên hoà giải. Nếu hoà giải không thành, Toà sẽ tiến hành xét xử vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.

Sở dĩ có câu chuyện kiện tụng trên bắt đầu từ năm 2002, theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển du lịch, nhiều nhà đầu tư đã đổ vốn đầu tư du lịch vào khu vực thôn Kê Gà. Mong mỏi từ các nhà đầu tư muốn biến khu vực có ngọn hải đăng Kê Gà (do người Pháp xây dựng cách đây khoảng 100 năm) thành “trung tâm resort, thủ phủ nghỉ dưỡng” của Bình Thuận.

Trong khi các nhà đầu tư đang đổ vốn hàng trăm tỷ đồng xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, bất ngờ, UBND Bình Thuận yêu cầu ngừng xây dựng, để nhường lại đất cho TKV thực hiện dự án cảng Kê Gà.

Sự thay đổi đột ngột này khiến các nhà đầu tư kêu rằng “chới với khi thiệt hại vô cùng lớn”. Bởi họ đã đổ cả “núi tiền” xây dựng các resort dở dang, chưa kịp đưa vào hoạt động đã buộc phải đình trệ, giao đất cho TKV. Đến tháng 6/2011, có 12 DN (trong đó có Vạn Trụ) đã bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi lại đất để giao lại cho TKV.

Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản?

Ba năm sau kể từ khi các DN bị thu hồi đất, vào tháng 2/2014, do nhận thấy việc TKV quy hoạch cảng Kê Gà không khả thi, Thủ tướng đã yêu cầu dừng quy hoạch xây dựng cảng Kê Gà. Đồng thời, yêu cầu TKV phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét bồi thường thiệt hại cho các DN. 

Đến đây, mọi chuyện tưởng thở phào vì các nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng và nhận bồi thường. Song, việc bồi thường thiệt hại cho các DN đã kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa kết thúc. Trong khi có 9 DN đã được TKV bồi thường tổng cộng 65 tỷ đồng, còn 8,5 tỷ đồng đang đề nghị các DN bổ sung hồ sơ để xem xét tiếp tục thanh toán; thì riêng với Vạn Trụ đã bị TKV từ chối bồi thường.

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc Công ty Vạn Trụ nói: “UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi DN đổ vốn đầu tư du lịch, rồi lại thay đổi, buộc DN dừng dự án du lịch, thu hồi lại đất để giao TKV xây dựng cảng Kê Gà. Sau đó cơ quan chức năng quy hoạch cảng Kê Gà phá sản, lại yêu cầu DN tiếp tục đầu tư du lịch...

Cảnh đổ nát, hoang tàn trong dự án du lịch của Vạn Trụ.
Cảnh đổ nát, hoang tàn trong dự án du lịch của Vạn Trụ. 

Chính chủ trương “tiền hậu bất nhất” này đã đẩy các DN đến bờ vực phá sản bởi thiệt hại nặng nề. Trong đó, với DN Vạn Trụ, các hạng mục công trình bị hư hỏng, tốn kém rất nhiều công sức, tiền bạc tu bổ... Ngoài ra, doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng hơn 9 tỷ đồng, chi phí bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng suốt thời gian qua, mất cơ hội kinh doanh...”.

Ông Công cũng cho biết thêm, ngoài Vạn Trụ yêu cầu bồi thường 29,4 tỷ đồng, thì trước đây, có những DN bị thiệt hại nặng nề, đòi bồi thường với số tiền rất lớn như: Công ty TNHH du lịch Đồi Phong Lan (36,5 tỷ đồng), Công ty TNHH du lịch Thế Giới Xanh (36,8 tỷ đồng), Công ty TNHH du lịch Hương Bắc (2,1 tỷ đồng)...

Gian nan đòi bồi thường

Thiệt hại do sai lầm trong quy hoạch dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận) đối với các nhà đầu tư du lịch là khá rõ. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo TKV phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét bồi thường cho các DN bị thiệt hại sau khi dừng quy hoạch dự án cảng Kê Gà. Tuy nhiên, đến nay việc bồi thường thiệt hại cho DN vốn nhiêu khê, càng thêm khó khăn do những yêu cầu tréo ngoe từ hội đồng bồi thường.

Ông Công cho biết: “DN đã xây dựng khu du lịch từ năm 2004. Đến năm 2007, bất ngờ nhận được lệnh dừng xây dựng khu du lịch để nhường đất cho quy hoạch cảng Kê Gà (do TKV làm chủ đầu tư). Sau đó, chúng tôi vừa khiếu nại, vừa tiếp tục hoàn thiện các hạng mục đã thi công, nhằm chống lún, sập, đổ. Song, có ai đầu tư mà biết trước sẽ được bồi thường mà gìn giữ đủ các giấy tờ chứng từ? Lúc đó, hoạt động của DN bị xáo trộn, nhân sự thay đổi, hồ sơ bị thất lạc rất nhiều”.

“Sau này khi được xem xét bồi thường, chúng tôi cố gắng tìm kiếm, thu thập các chứng từ, hoá đơn, hồ sơ... Cái nào mất thì đành chấp nhận không yêu cầu bồi thường. Thế nhưng cả ngàn trang hồ sơ, hoá đơn, chứng từ vẫn không thoả mãn hội đồng bồi thường”.

Theo ông Công, trái khoáy nhất là yêu cầu phải có “hồ sơ hoàn công” mới được xem xét bồi thường. Ông Công cho biết: “DN xây dựng khu du lịch, các hạng mục đều trong bối cảnh dang dở suốt nhiều năm. Gần đây, một số mới rục rịch sửa chữa lại, thì làm gì có chuyện thực hiện thủ tục hoàn công mà hội đồng bồi thường cứ đòi hồ sơ hoàn công? Hơn nữa, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng không yêu cầu DN hoàn công. Vì vậy, đòi DN cung cấp hồ sơ hoàn công, khác nào đánh đố DN ”. 

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Lâm, thành viên Hội đồng bồi thường lại cho rằng, hồ sơ từ Công ty Vạn Trụ vẫn “chưa đủ cơ sở” để bồi thường. “Hoá đơn chưa đủ cơ sở để khẳng định đã đưa vào công trình”, “quan trọng nhất, Công ty Vạn Trụ phải có hoàn công”...

Theo đại diện Vạn Trụ, DN đầu tư không phải nhằm mục đích kiếm tiền bồi thường. Việc bồi thường là do cái sai không đến từ DN. Giá trị bồi thường, trên thực tế là rất ít ỏi so với giá trị đầu tư hoặc giá trị thiệt hại của DN. Tuy nhiên, việc hội đồng bồi thường xem nhẹ hoá đơn do DN cung cấp (thể hiện tiền DN đã mua vật liệu xây dựng), mà chú trọng hồ sơ hoàn công, càng đẩy DN vào tình thế khó được bồi thường. 

Cảnh hoang tàn trong dự án du lịch của Vạn Trụ.
Cảnh hoang tàn trong dự án du lịch của Vạn Trụ. 

Trong lúc đó, tại Công văn số 3531 năm 2013 của UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ phương án bồi thường cho các DN, cụ thể: Đối với tài sản được đánh giá tỉ lệ còn lại từ 30% đến dưới 50% thì bồi thường 70% giá trị”. Tương tự, còn lại trên 50% đến dưới 70% giá trị thì bồi thường 50% giá trị; tài sản được đánh giá còn lại trên 70% thì bồi thường 30% giá trị.

“Như vậy, chỉ cần áp dụng định giá tổng thể tài sản hiện hữu thuộc loại nào, rồi khấu trừ giá trị hạng mục nào còn sử dụng, giá trị hạng mục nào đã bị hao mòn, hư hỏng, sẽ tìm ra giá trị thiệt hại, cần bồi thường cho DN.

Với Công ty Vạn Trụ, chúng tôi chọn mức độ thiệt hại thấp nhất là giá trị tài sản còn lại trên 70%, chỉ yêu cầu được bồi thường 30% giá trị. Tuy nhiên, không hiểu tại sao hội đồng bồi thường lại không áp dụng Công văn 3531 mà chỉ đánh đố DN với “hồ sơ hoàn công” hết sức vô lý”, ông Công nói. 

Đọc thêm