“Nóng” chuyện giá gas và xăng dầu rởm

55 cửa hàng bị kiểm tra đột xuất và 32 mẫu được gửi đi giám định, kết quả 16 mẫu trải đều ở 11 cửa hàng sai phạm: Đều có chỉ số octan thấp hơn so với quy định như  bán xăng A92 nhưng chỉ số octan chỉ hơn 83, tương tự như vậy với A95 và A92.

“Chào xuân 2012” là hàng loạt tin tức nóng bỏng quanh chuyện giá gas “phát cuồng” và chất lượng xăng dầu “thập cẩm”. Những vấn đề này cũng hâm nóng cuộc họp báo tháng 2/2012 của Bộ Công Thương được tổ chức chiều qua (6/2)

Rút giấy phép cây xăng vi phạm

Cuộc kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM từ 27/9 đến 16/11/2011 đã được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) công bố ngày 30/11. Theo đó, 55 cửa hàng bị kiểm tra đột xuất và 32 mẫu được gửi đi giám định, kết quả 16 mẫu trải đều ở 11 cửa hàng sai phạm: Đều có chỉ số octan thấp hơn so với quy định như  bán xăng A92 nhưng chỉ số octan chỉ hơn 83, tương tự như vậy với A95 và A92.

Các cây xăng vi phạm gồm: Cty Quốc Thắng (quận Thủ Đức), Hùng Trường - Trạm Xăng dầu Trường An (quận 12), Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tân Cảnh và DNTN Tây Thạnh (quận Tân Phú), Trạm xăng dầu số 7 (quận Gò Vấp), DNTN Xăng dầu Minh Đạt và DNTN Trần Quang Tuyến (huyện Bình Chánh), Cửa hàng xăng dầu Trung Huy và Cty TNHH Văn Hoàn (quận Bình Tân), Cty TNHH TM Một thành viên Xe khách Sài Gòn - số 2 và DNTN TM Phú Hoàng (quận Tân Bình)… UBND TP.HCM đề nghị cơ quan chức năng phạt tiền và thu hồi giấy phép kinh doanh.

Liên quan đến thông tin tài xế xe bồn rút ruột xăng trên đường vận chuyển rồi bơm tạp chất thay thế, sau đó tiếp tục cung cấp hàng cho một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra. Cục Quản lý chất lượng hàng hóa miền Nam công bố mẫu xăng lấy từ hai cây xăng 982 Trường Sơn và 469 Bạch Đằng đều ở TP.HCM, kết quả đều có nước.

Về các vi phạm trên, tại buổi họp báo của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải thông tin, xăng dầu pha nước và tạp chất không đảm bảo an toàn, vi phạm tới quyền lợi người tiêu dùng, Bộ đã làm việc với UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng rút giấy phép 9 cửa hàng; còn 2 cửa hàng nữa sẽ rút giấy phép trong thời gian tới.

Về 2 DN xăng có nước, Bộ yêu cầu xác minh làm rõ và khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm. Được biết, TCty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có văn bản gửi cơ quan công an yêu cầu vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc ăn cắp xăng dầu.

Xử lý nghiêm nếu bán gas sai giá

Tính từ đầu năm 2012 tới nay, giá gas đã tăng giá tới 3 lần, DN tăng “tùy hứng” từ 20 đến 80 nghìn đồng/bình 12kg. Theo khảo giá của phóng viên, hiện đã có nơi bán tới 465 nghìn đồng/bình 12kg.

Theo tính toán của Giám đốc một Cty kinh doanh gas, với giá gas thế giới hiện nay là 1.025 USD/tấn, cộng với các khoản thuế, phí vận chuyển, bảo hiểm, lợi nhuận cho nhà xuất khẩu thì mỗi kilôgam gas về đến cảng tại TP.HCM có giá thành khoảng 25.000 đồng. Tức mỗi bình gas 12kg có mức giá 300.000 đồng. Qua tiếp các khâu trung gian, từ tổng đại lý đến cửa hàng bán lẻ bán đến tay người tiêu dùng lên 425.000-460.000 đồng/bình, tùy hãng. Với một bình gas 12kg, DN đầu mối hưởng lợi khoảng 40.000 đồng, tổng đại lý hưởng từ 5.000-6.000 đồng và đại lý bán lẻ hưởng từ 40.000-50.000 đồng.

Vấn đề giá gas, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Gas là một trong những mặt hàng bình ổn, phải thực hiện chế độ đăng ký giá qua Sở Tài chính địa phương hoặc Cục Quản lý  Giá (Bộ Tài chính), tùy quy mô DN. Cục Quản lý Giá và Sở Tài chính sẽ kiểm tra việc niêm yết giá theo Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Việc quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu và gas theo Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, còn việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này theo Nghị định 105/2011/NĐ-CP ngày 16/11/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, đây là việc làm thường xuyên của Bộ.

Vì Bộ trưởng Bộ Công Thương là Trưởng ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (Ban Chỉ đạo 127/TW) nên Bộ thường xuyên phối hợp với  Bộ Tài chính và UBND các tỉnh kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của DN đầu mối, hệ thống phân phối, nếu phát hiện ra vi phạm như tăng giá không đúng theo giá đã đăng ký với cơ quan quản lý, tăng khống, đầu cơ… sẽ bị xử lý ngay.

Mai Hoa
 

Đọc thêm