Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD), Bộ NN&PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đã dành cho PLVN cuộc trao đổi đầu năm về chủ đề này.
Thách thức từ luật chơi mới
Sau 5 năm đàm phán, TPP đã đạt được thỏa thuận lịch sử về hiệp định thương mại tự do quy mô bậc nhất thế giới, theo ông sự kiện này có ý nghĩa thế nào đối với kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng?
- Đây là cơ hội rất lớn đối với xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đặc biệt là việc tiếp cận sâu rộng hơn vào hai trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản.
Nếu các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế thì TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm lương cao hơn, đẩy mạnh đột phá, năng suất và cạnh tranh, nâng cao chất lượng sống, giảm đói nghèo, đồng thời tăng cường minh bạch, khả năng quản trị và bảo vệ môi trường.
Kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp được dự báo là sẽ bị tác động mạnh mẽ một khi TPP được thực hiện, theo ông thách thức nào là đáng lo ngại nhất cho nông nghiệp hiện nay?
- Một trong số những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là khi TPP được ký kết, các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng họ sẽ nâng cao các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn.
Để xâm nhập và chiếm lĩnh được những thị trường giá trị cao và quy mô lớn như Hoa Kỳ và Nhật Bản, những sản phẩm Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, tiêu, điều, thủy sản… cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật (TBT) và các biện pháp kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) để chiếm lĩnh được các thị trường này.
Nếu không, dù thuế suất nhập khẩu của các thị trường này bằng 0% thì sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng không thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó, các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (hóa chất nông nghiệp), thuốc thú y), vấn đề lao động, nguồn gốc xuất xứ… cũng rất chặt chẽ.
Phía Việt Nam còn nhiều hạn chế trong những nội dung này. Như vậy, nếu Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này thì sẽ rất khó khăn cho cả nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường quốc tế.
|
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (IPSARD) |
Khi thuế suất nhiều sản phẩm thịt chỉ còn 0%, lúc đó những sản phẩm ngoại nhập sẽ tràn vào trong nước và viễn cảnh thua trên sân nhà đang là mối lo lớn cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, liệu chăn nuôi Việt Nam có bị “nhấn chìm” khi hội nhập không, thưa ông?
- Nhìn chung, ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam tham gia vào TPP. Hiện nay, mặc dù các mức thuế suất đối với các sản phẩm chăn nuôi còn khá cao nhưng giá trị nhập khẩu các sản phẩm này vẫn tăng nhanh trong thời gian qua.
Nguyên nhân chính là năng lực sản xuất trong nước không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng và chất lượng, giá cả của các sản phẩm trong nước không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
Trong thời gian tới, nếu rào cản thuế quan được dỡ bỏ thì các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn của các sản phẩm thịt bò và sữa từ Australia và New Zealand, lợn, gà từ Hoa Kỳ và Canada trên thị trường trong nước.
Theo điều tra của Viện IPSARD, hiện nay các sản phẩm lợn, gà được nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm đông lạnh và các phụ phẩm phân phối qua hệ thống siêu thị hoặc các bếp ăn tập thể hoặc cửa hàng ăn nhanh.
Đối tượng khách hàng chủ yếu là thanh niên trẻ tuổi và người có thu nhập thấp. Các sản phẩm này đang bổ trợ và chưa có nhiều cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt tươi nóng của người sản xuất Việt Nam.
Người Việt Nam có thói quen tiêu dùng sản phẩm tươi nóng và để thay đổi thói quen này sẽ mất khoảng thời gian vài ba năm. Lộ trình giảm thuế cũng sẽ kéo dài 5-10 năm. Đây là khoảng thời gian quan trọng để ngành chăn nuôi có thể tái cơ cấu và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Một hướng đi nữa là tập trung phát triển những mặt hàng có phân khúc ít chịu cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ, trong chăn nuôi phát triển lợn sữa, gà lông màu, thủy cầm, vỗ béo bò nhập khẩu…Với những mặt hàng này, Việt Nam có thể giữ vững được thị trường nội địa và vươn tới xuất khẩu.
Trước thềm TPP đi vào thực hiện, Viện IPSARD đã có dự báo gì đối với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam?
- Nhìn chung, Việt Nam có nhiều lợi thế trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang TPP với mức thặng dư thương mại ngày một gia tăng.
Xét về các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào TPP, gỗ và sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tập trung với tổng kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu từng mặt hàng.
Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang TPP chiếm 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu tôm và cá tra sang TPP lần lượt chiếm 55,7% và 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam.
Còn nhóm hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai là các cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu, cao su). Gạo và rau quả là các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tương đối khiêm tốn. Hoa Kỳ và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất tập trung vào các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và cây công nghiệp.
Đáng chú ý, Malaysia cũng là một bạn hàng lớn của Việt Nam trong hai sản phẩm gạo và cao su.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!