Vấn đề được đề cập tại hội thảo “Vai trò của ngành ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp nông thôn” được tổ chức hôm qua (18/12).
Mô hình làm ăn lớn
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP nhằm khuyến khích các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Quyết định 1050 ngày 28/5/2014 của NHNN), NHNN đã lựa chọn 28 doanh nghiệp (DN) đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành tham gia.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến cuối tháng 11/2015, tổng số tiền đã giải ngân là 5.850,51 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.912,13 tỷ đồng. Lãi suất ngắn hạn đang áp dụng là 6,6%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn ở mức 5,4-6,3%/năm.
Thông qua chương trình cho vay thí điểm, các địa phương bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao như mô hình đầu tư chuỗi liên lết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của Cty CP rau quả thực phẩm An Giang, mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Cty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (An Giang), mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Cty Hùng Cá (Đồng Tháp), mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư dây chuyền sản xuất nước chanh dây cô đặc và đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp của Cty TNHH thương mại - dịch vụ Trường Hoàng (Lâm Đồng)…
Một trong những mô hình được nhắc đến là mô hình của nhóm Cty Hùng Cá (Đồng Tháp). Cho đến nay dư nợ của dự án này là 1.174 tỷ đồng, đạt hơn 83% số tiền NHNN cam kết giải ngân cho dự án và chiếm hơn 60% tổng dư nợ của chương trình. Dự án đã tạo thu nhập cho nông dân tăng khoảng 4,37%/ha/vụ so với trước khi thực hiện mô hình. Lợi nhuận của nhóm Cty Hùng Cá cũng được nâng lên rõ rệt, qua đó giúp DN có thêm tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thu hút lao động trên địa bàn.
Người cho vay và người vay đều run
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được xem là một trong những “chìa khóa” của thành công, là đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững. Thế nhưng, mô hình này đang gặp không ít khó khăn khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), việc ký kết hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn chưa chặt chẽ và chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết của người dân và doanh nghiệp. Vẫn có thể xảy ra việc các bên không thực hiện cam kết trong hợp đồng.
Chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi…) trong khi các tài sản này có giá trị đầu tư lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá tài sản bảo đảm khoản vay.
Đặc biệt, điều khiến cả ngân hàng và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm là cho đến nay vẫn chưa có cơ chế dự phòng xử lý rủi ro, nhất là các chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước…
Là địa phương đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp khá thành công như mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn của Cty CP thực phẩm sữa TH, mô hình trồng rau và hoa trong nhà kính của Cty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế… song đại diện NHNN chi nhánh Nghệ An cũng không giấu băn khoăn về rủi ro của các mô hình này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại.
“Ngành nông nghiệp nói chung chịu rất nhiều rủi ro, từ khí hậu, thời tiết, dịch bệnh cho đến biến động giá cả nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra. Trong khi đó lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung của thị trường, điều này đã tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại..”- đại diện NHNN Chi nhánh Nghệ An phát biểu.
Ông Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho rằng, các rủi ro trong nông nghiệp tuy đã được hạn chế bằng các sản phẩm bảo hiểm tiền vay của công ty bảo hiểm nhà nước nhưng các công ty bảo hiểm gặp nhiều khó khăn về quyết định bán bảo hiểm. “Chính điều này gây khó khăn cho những người có nhu cầu vay vốn thực sự và mua bảo hiểm để ngân hàng tin tưởng vào năng lực của chính họ…”- ông Thạch khẳng định.
Theo ThS Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng, cần sớm có đánh giá tổng kết đầy đủ về chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất và ứng dụng công nghệ cao để hoàn thiện chính sách và nhân rộng mô hình, trong đó, bên cạnh chính sách về sản phẩm cho vay cần phát triển cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ khác hoặc liên kết các chế định tài chính khác để phát triển các sản phẩm: quản lý tiền mặt, quản lý tài sản, bảo hiểm thanh toán, bảo hiểm nhân thọ, phái sinh hàng hóa...
Việc hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro trong cho vay đối với nông nghiệp nông thôn cần rạch ròi về trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp tái tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất…
Theo ông Nguyễn Trọng Nghiệp, NHNN Chi nhánh Vĩnh Long, một khi bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, ngân sách nhà nước còn phải hỗ trợ phí bảo hiểm thì bảo hiểm nông nghiệp chưa thể là công cụ phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng…