“Nóng” xét tuyển NV2 vào ĐH công

Thí sinh cần thận trọng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH công lập vì nguy cơ trượt rất lớn nếu điểm thi bằng điểm xét tuyển của trường, vì các ĐH xét từ điểm cao xuống để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Thí sinh cần thận trọng khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH công lập vì nguy cơ trượt rất lớn nếu điểm thi bằng điểm xét tuyển của trường, vì các ĐH xét từ điểm cao xuống để đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Thí sinh nào "về đích"?

Chỉ có  73.800/ 195.200 chỉ tiêu

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đại học (GD&ĐT), với mức điểm sàn năm nay thì có khoảng 218.000 thí sinh (TS) trúng tuyển NV1. Số TS đạt điểm sàn đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường là 195.200, trong khi đó chỉ còn 73.800 chỉ tiêu.

Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khối A có 110.000 TS trúng tuyển, còn 38.000 chỉ tiêu dành cho xét tuyển. Trong khi đó, số TS có mức điểm đủ điều kiện xét tuyển (gọi là số dư) là 66.500. Khối A1 có 15.000 TS trúng tuyển, số chỉ tiêu dành cho xét tuyển là 10.000, số dư là 11.500.

Khối B có 29.500 TS trúng tuyển, số chỉ tiêu xét tuyển là 5.800, số dư lên tới 60.000. Khối C có 19.500 TS trúng tuyển, số chỉ tiêu xét tuyển tiếp theo là 5.000, số dư là 13.700. Khối D1 có 45.000 TS trúng tuyển, số chỉ tiêu xét tuyển là 15.000, số dư là 43.500.

Các chuyên gia tuyển sinh cho biết, để có cơ hội đỗ vào các trường có mức điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn và chỉ tiêu xét tuyển ít, TS cần cân nhắc mức điểm của mình phải cao hơn điểm chuẩn xét tuyển mà trường đưa ra từ 0,5 hay 1,0 điểm trở lên. Bên cạnh đó, để khả năng trúng tuyển cao thì nên đăng ký vào ngành không thuộc nhóm ngành được ưa chuộng của trường.

Hơn nữa, nếu TS có điểm thi bằng điểm sàn của Bộ hoặc cao hơn một chút nên đăng ký vào những trường ĐH, CĐ có điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ và chỉ tiêu xét tuyển nhiều như các đại học vùng và đại học ngoài công lập. TS cần lưu ý, hàng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển nên các TS cần thường xuyên theo dõi mức điểm, lượng hồ sơ nộp vào trường để biết khả năng trúng tuyển của mình.

Những lưu ý về giấy tờ nhập học

Bộ GD&ĐT quy định, TS đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển thì phải làm đơn kèm Giấy báo Trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.

Để chuẩn bị nhập học, các TS cần lưu ý những giấy tờ quan trọng sau đây: Học bạ; Giấy Chứng nhận Tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp để đối chiếu kiểm tra; Giấy khai sinh.

Các giấy tờ xác nhận đối tượng như giấy chứng nhận con liệt sĩ, thẻ thương binh hoặc được hưởng chính sách như thương binh của bản thân hoặc của bố mẹ thí sinh... Các giấy tờ quy định trên là bản photocopy, được nhà trường kiểm tra, đối chiếu với bản chính.

Những trường hợp địa phương hoặc trường giải quyết chưa đúng mà thí sinh có đơn khiếu nại, sau khi đã cùng các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương xem xét, Bộ GD&ĐT sẽ ra quyết định cuối cùng về việc học tập của thí sinh.

Thí sinh Y- Dược đứng tốp đầu điểm cao

Bộ GD&ĐT cho biết, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số TS đạt từ 27 điểm trở lên với 146 em, trong đó có 1 TS đạt 30 điểm tuyệt đối, đó là Trần Xuân Bách thi khối B vào Trường ĐH Y Hà Nội.

Xếp sau TP Hà Nội là các địa phương quen thuộc như TP Hồ Chí Minh với 96 TS, Nghệ An có 77 TS, Thanh Hóa có 68 TS. Các tỉnh miền Bắc, Thái Bình là địa phương dẫn đầu với 47 TS, Hưng Yên có 39 TS, Hải Phòng có 37 TS, Nam Định có 34 TS, Ninh Bình 22 TS, Bắc Ninh 20 TS. Khu vực miền Trung xếp sau Nghệ An và Thanh Hóa là Hà Tĩnh với 42 TS. TP Đà Nẵng năm này có 23 TS đạt từ 27 điểm trở lên. Đáng chú ý tỉnh Đắc Lắc có đến 22 TS đạt từ 27 điểm trở lên.

Với số điểm cao từ 27 điểm trở lên các TS phần lớn lựa chọn theo học ngành Y- Dược. Cụ thể, có 558/970 TS đạt 27 điểm trở lên đỗ vào các trường Y- Dược của cả nước (trong đó có 197 TS đỗ vào ĐH Y Hà Nội; 186 TS đỗ vào Trường Đại học Y Dược Tp.HCM; 75 vào Trường Đại học Dược Hà Nội. 8 vào Khoa Y - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh; 52 vào Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế; 28 vào Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; 12 TS đỗ vào Học viện Quân y, Cơ sở 1 ở phía Bắc  hệ Dân sự).

Đứng thứ hai là khối ngành Kinh tế: Cụ thể có 134 TS đạt 27 điểm đỗ vào Trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 1 ở phía Bắc và 29 TS đỗ vào Trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 ở phía Nam. Có 84 TS đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Có 7 TS đỗ vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Uyên Na

Đọc thêm