2,1 tỷ không phải do chiếm đoạt mà có
Theo Kết luận điều tra bổ sung ngày 20/1/2016 của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, bị can Lê Hồng Đặng có hành vi nhận số tiền 2,12 tỷ đồng của ông Phạm Gia Khải (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) để mua giúp cổ phần và xin đất trồng sâm Ngọc Linh nhưng sau đó bỏ trốn để chiếm đoạt.
Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu, bà Đặng khẳng định bà không chiếm đoạt số tiền này vì đây là khoản tiền ông Khải trả nợ bà, có sự chứng kiến của nhân chứng. Khoản 500 triệu đồng là số tiền ông Khải nhờ bà Đặng mua sâm Ngọc Linh. Còn khoản 120 triệu đồng là tiền bà Đặng vay của ông Trần Văn Tiếp – Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa. Bà Đặng đã trả cho ông Tiếp và không liên quan gì tới ông Khải.
Điều này thể hiện trong giấy xác nhận viết tay có chữ ký cam kết của ông Tiếp (ngày 19/2/2016) nêu rõ: “Trước đây, bà Đặng có mượn tôi 120 triệu đồng để giải quyết công việc, hẹn trả sớm. Tôi cho mượn và sau một thời gian bà Đặng có gọi điện thoại cho tôi do bận không lên được và nhờ người cầm số tiền trả lại cho tôi, người cầm số tiền là ông Nguyễn Quang, đến phòng làm việc của tôi tại Văn phòng Công ty Gia Nghĩa nói là chị Đặng nhờ trả số tiền mà chị ấy mượn dạo trước. Tôi nhận tiền và có viết lại một giấy biên nhận là đã nhận đủ số tiền mà ông Quang đưa hộ bà Đặng trả cho tôi”.
Đối với 50 triệu đồng, theo bà Đặng, đây là tiền ông Khải vay tại Đắk Nông và ông Khải đã trả lại cho bà. Tuy nhiên, qua giấy biên nhận và lời khai thiếu khách quan của một nhân chứng, cơ quan điều tra (CQĐT) lại kết luận bà Đặng đã vay của ông Khải.
Như vậy trong sự việc này, lời khai của hai phía có sự mâu thuẫn, hầu hết các chứng cứ đều dựa trên lời khai và những giấy biên nhận tiền không rõ nguồn gốc, lý do.
Còn đối với số tiền 250 triệu, CQĐT cho rằng bà Đặng đã dùng thủ đoạn yêu cầu ông Khải chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Thạch Anh Cao Nguyên với lý do mua cổ phần nhưng lại là tiền trả tiền mua gỗ lũa. Sau khi nhận tiền, bà Đặng đã mang hàng về sử dụng tại nhà riêng ở Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3, TP HCM.
Tuy nhiên, theo bà Đặng thì số tiền này là khoản giao dịch giữa ông Thái Ngọc Nhiệm - Giám đốc Công ty TNHH Thạch Anh Cao Nguyên và ông Đỗ Khắc Hiệp - luật sư của ông Khải. Thực tế là Công ty CP Dược phẩm Việt Nam đã chuyển tiền, lấy hàng và 1 năm sau thì mới “vu” cho bà Đặng lấy số tiền này chuyển qua công ty để mua cổ phần...” .
Khó có chuyện đánh đổi mọi thứ lấy 2,1 tỷ đồng?
Nữ doanh nhân Lê Hồng Đặng là Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đặng và Công ty CP Phúc Hoàng Nghiêu, đang thực hiện nhiều dự án du lịch lớn tại tỉnh Đắk Nông và Thanh Hóa như khu du lịch thác Cô Tiên và biệt thự ven hồ trung tâm thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông; khu du lịch hồ Tân Thanh, khu du lịch tâm linh tại ba huyện Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống tỉnh Thanh Hóa và dự án khu biển xanh tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa…
Nếu bà Đặng bỏ trốn để chiếm đoạt tiền thì hoạt động của hai công ty và hàng loạt dự án trên sẽ có nguy cơ phá sản. Liệu bà Đặng có thực sự muốn chiếm đoạt 2,1 tỷ để chịu mất hàng ngàn tỷ đồng khác? Bà Đặng cũng khẳng định: “Tôi không có ý định bỏ trốn và cũng không bỏ trốn như kết luận của CQĐT Công an TP Hà Nội”.
Ngày 25/4/2015, bà Đặng mời ông Phạm Ngọc Bé, Trưởng Công an xã ĐắK Wer đến nhà riêng (thôn 7 xã Đắk Wer) và cho biết việc bà sẽ đi Hà Nội để liên hệ công việc. Cùng ngày, bà Đặng còn đến trụ sở tỉnh Đắk Nông gặp Bí thư Tỉnh ủy để trao đổi công việc. Tuy nhiên, do không gặp được Bí thư nên bà đã để lại tài liệu ở phòng làm việc của ông.
Vào khoảng tháng 2/2015, bà Đặng có đến làm việc với Đồn Công an Đắk GLong về việc Công ty TNHH Hồng Đặng bị cắt trộm đường dây trạm biến áp 160kVA.
Tháng 3/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội có gửi giấy triệu tập bà Đặng đến làm việc nhưng ngày tháng ghi trên giấy triệu tập bị tẩy xóa, không rõ ràng nên bà mang giấy triệu tập này trình báo Công an tỉnh Đắk Nông để cơ quan này có văn bản đề nghị Công an Hà Nội phải ghi rõ ngày đến làm việc.
Sau khi không thấy CQĐT Công an TP Hà Nội trả lời, bà Đặng có đến số 7 Thiền Quang (Hà Nội) để xin làm việc và gặp 2 điều tra viên là Phùng Tuấn Cường và Lê Cao Thắng, nhưng không được tiếp.
Ngày 2/4/2015, Công an xã Đắk Wer đã ký văn bản xác nhận bà Đặng vẫn đang cư trú tại địa phương và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 20/5/2015, Công an tỉnh Đắk Nông có Văn bản số 408 trả lời Công an TP Hà Nội về việc cơ quan này đã hai lần làm việc với bà Đặng chứ không như kết luận ngày 3/2/2015 nêu bà Đặng đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có hành vi bỏ trốn”.
Như vậy, có nhiều chứng cứ khẳng định bà Đặng không có dấu hiệu bỏ trốn và không có ý định chiếm đoạt tiền?. Liệu có uẩn khúc gì sau việc bà Đặng bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như trên?. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những diễn biến của vụ án này.