Ngồi một mình, cấm uống nước, cấm xài nhà vệ sinh
Là người lao động làm việc tại Công ty TNHH Theodore Alexander HCM (Lô 50-57 Đường số 1, Khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức. TP HCM) từ năm 2002 đến nay, bà Châu được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong suốt quá trình 16 năm làm việc tại công ty, bà Châu chưa từng bị áp dụng hình thức kỷ luật nào.
Bất ngờ ngày 8/6/2018, bà Châu cho là bị người quản lý trực tiếp là ông Nguyễn Đức Cường (Trưởng phòng Kế hoạch và mua hàng) thông báo miệng không cho bà được tiếp tục làm công việc hiện thời và chuyển làm một công việc khác nhưng không nói việc gì.
Bà Châu đã phản ứng vì chỉ thông báo miệng mà không họp lấy ý kiến người lao động, không có sự thỏa thuận, trao đổi với bà. Cho rằng việc bố trí lại công việc có dấu hiệu bất thường, không minh bạch, bà không đồng ý, đồng thời đã gửi email đến các lãnh đạo cấp cao trong công ty thông báo sự bất thường trên. Lập tức bà bị tạm thời ngưng việc, “tịch thu” máy tính, điện thoại, cắt mail… và yêu cầu sang phòng họp ngồi một mình chờ điều tra, xem xét.
Mười hai ngày sau, Phòng Nhân sự gửi một bản nháp về công việc dự kiến giao cho bà. Xem xong, bà Châu có văn bản trả lời một số điểm bất hợp lý với công việc dự kiến và bà không thể nào kham nổi vì lượng công việc mới quá nhiều.
Ngày 5/7, ông Phạm Thanh Tùng (Trưởng phòng Nhân sự) bị cho là yêu cầu bà Châu không được ngồi trong phòng họp, phải xuống kho ngồi trong thời gian chờ giải quyết. Đồng thời cấm bà Châu sử dụng nhà vệ sinh vẫn hay sử dụng, cấm lấy nước uống và cấm giao tiếp với người trong khu vực văn phòng.
Chưa hết, hai tuần sau đó, bà Châu bị yêu cầu ra phòng bảo vệ ngồi cho đến khi có quyết định công việc từ Tổng Giám đốc. Bà Châu không đồng ý bởi phòng bảo vệ ở ngoài cổng công ty không phải là nơi làm việc. Lực lượng bảo vệ đã lôi bà ra phòng bảo vệ và lệnh cấm bà bước ra ngoài nếu không được sự đồng ý của họ.
“Đến nay, tôi bị buộc bị cách ly 2 tháng, phải ngồi ở phòng bảo vệ đã hơn 20 ngày, không được bước vào công ty mà không hề có quyết định và không có lý do. Việc bắt ép tôi – người lao động không có bất cứ một vi phạm kỷ luật lao động nào – ngồi phòng chờ bảo vệ là một hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người lao động, cản trở quyền được lao động của tôi”, bà Châu tố cáo.
Giải quyết rề rà
Bà Châu cho biết: “Từ khi tôi vào làm việc tại công ty đến nay, mọi công việc tôi được giao đều hoàn thành tốt. Là người lao động, tôi thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ của mình, không vi phạm kỷ luật, nội quy lao động nên công ty không có lý do gì để đuổi việc tôi. Thế nên họ đã tìm mọi cách, thực hiện nhiều hành vi dã man, thiếu nhân tính để đẩy tôi đến bước đường cùng là tự xin nghỉ việc để không phải bồi thường thiệt hại”.
Sau khi nhận được đơn thư, phía Công đoàn các khu công nghiệp – khu chế xuất TP HCM và Liên đoàn Lao động TP HCM cũng đã có buổi làm việc với bà Châu. Sau đó đơn thư được chuyển về đại diện Công đoàn công ty giải quyết. Đầu tháng 8 vừa qua, buổi làm việc với chủ tịch Công đoàn công ty đã không thành vì theo bà Châu “họ không chịu ghi vào biên bản các sự việc đã diễn ra với tôi trong thời gian qua”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), trong quy định của Bộ luật Lao động, khi doanh nghiệp có sự thay đổi, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có thể bố trí người lao động làm công việc khác với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày.
Đồng thời, việc bố trí công việc mới này phải có sự đồng thuận của người lao động. Pháp luật không cho phép người sử dụng lao động bố trí người lao động làm công việc trái với thỏa thuận hợp đồng lao động, công việc nặng hơn nếu không được người lao động đồng ý. Luật cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, cưỡng ép hoặc xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người lao động.
Việc công ty thay đổi công việc, buộc bà Châu phải nhận công việc mới nặng hơn so với công việc đang làm nhưng không ban hành quyết định, không được sự đồng thuận của bà Châu là làm trái quy định về lao động. Bà Châu có quyền từ chối nhận công việc nặng hơn và không phù hợp với năng lực, sức khỏe.
Khi bà Châu có văn bản phản đối thì người sử dụng lao động lại có nhiều hình thức như buộc chuyển xuống nhà kho ngồi chờ việc, chuyển ra ngồi phòng chờ cổng bảo vệ là một việc làm trái luật. Hành vi này có dấu hiệu ngược đãi, phân biệt đối xử, xâm phạm danh dự, nhân phẩm người lao động. Bởi lẽ bà Châu vẫn đang là người lao động, không có hành vi vi phạm kỷ luật lao động và chưa có bất cứ quyết định nào của người sử dụng lao động áp dụng chế tài đối với bà.