Nửa đêm ra đồng đổi mộ cho cha để được thăng quan

(PLO)  - Vị khách lạ lấy hai nửa bánh giày ghép lại với nhau rồi nói: “Nhà mày nghèo nhưng tốt bụng, tao sẽ đổi mộ cho ông bố đẻ mày, mày sẽ được thăng tiến sự nghiệp”. Nói rồi người khách lạ nán lại một ngày, chờ đêm đến cùng với cậu bé Thế vác thuổng ra đồng đổi lại mộ cho cha”.
Con đường dẫn vào xã Viên Nội, quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.
Con đường dẫn vào xã Viên Nội, quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.

Đổi mộ thăng quan

Bên chén trà xanh, ông Nguyễn Hữu Núi (65 tuổi, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chầm chậm kể lại những câu chuyện về Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế (1573 – 1645), cũng là vị thành hoàng làng của quê mình với giọng đầy tự hào.

Ông Núi cho biết: “Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế là niềm tự hào của quê hương chúng tôi. Ông là đại thần thời Vua Lê. Cốt cách ông mẫu mực, cứng cỏi, giỏi việc chính trị, là tấm gương sáng để thế hệ con cháu chúng tôi noi theo. Huyền tích về tuổi thơ và con đường thăng quan tiến chức của ông thì ly kỳ vô cùng”.

Theo câu chuyện của ông Núi, xưa khi còn bé, Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế cũng là một cậu bé chăn trâu nhà nghèo, hàng ngày dắt trâu rong ruổi hết cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nhà nghèo mà ham học, ngày nào dắt trâu đi chăn cậu bé cũng giắt theo một quyển sách để tranh thủ đọc. Một hôm, trời đã nhá nhem tối, Thế đang rảo bước dắt trâu về thì gặp một người đàn ông lạ mặt. Nhìn thấy cậu bé chăn trâu, người đàn ông lạ bèn hỏi: “Tối rồi, nhà mày ở đâu cho tao về nghỉ nhờ”. 

Nghe nói xong, cậu bé Thế gật đầu dẫn khách về nhà hỏi mẹ. Về nhà, người mẹ của Thế cũng mới đi hội về, nghe con kể lại đầu đuôi  câu chuyện thấy thương tình nên đồng ý cho khách ngủ lại nhà. Bấy giờ, trong nhà chỉ có một cái bánh giày bà vừa được phát ở đám hội. Ý định ban đầu bà muốn bẻ làm hai cho con một nửa, một nửa mình ăn cho đỡ đói. Nhưng nay khách đến nhà, bà liền lấy một nửa bánh đưa mời khách, nửa còn lại hai mẹ con nhường nhau không ai ăn.

Sớm hôm sau, hai mẹ con lại lấy nốt nửa chiếc bánh còn lại ra mời khách vì nhà đã hết gạo. Cầm chiếc bánh trên tay, người khách cảm động lắm, bèn nói: “Nhà mày nghèo nhưng tốt bụng, tao sẽ đổi mộ cho ông bố đẻ mày, mày sẽ được thăng tiến sự nghiệp, công danh rạng rỡ, cuộc sống sung túc khá giả”. Nói rồi người khách lạ nán lại một ngày, chờ đêm đến cùng với cậu bé Thế vác thuổng ra đồng đổi lại mộ cho cha.

Đào được ít đất nào, hai người lại kéo ra mương đổ. Đến khi mộ đổi lại xong, người khách lạ chào từ biệt rồi lên đường. Cũng từ đó, Thế ra sức học hành, mong một ngày được ghi tên trên bảng vàng như lời người khách lạ đã nói. Để có tiền đi thi, cậu bé Thế xin làm thuê đủ thứ việc trên đời. Quả nhiên, như lời người khách lạ, cậu bé Thế thi đỗ tiến sĩ, công danh rạng rỡ. Sau khi đỗ đạt, Thế ở lại kinh thành giúp việc cho vua.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế.

Nắn sông trấn yểm con đường danh vọng Nguyễn Danh Thế?

Nhờ tư chất thông minh, Nguyễn Danh Thế gặt hái được nhiều công lao nên được nhà vua rất nể trọng. Bấy giờ ở trong triều cũng có một ông nghè ở xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), nhà cách nhà Nguyễn Danh Thế không xa. Nhiều lần trong triều, ông nghè này thường bất đồng quan điểm với Nguyễn Danh Thế, lại ghen tức trước tài năng và đức độ của Nguyễn Danh Thế nên thường tìm cách gây hiềm khích.

 Nhân một lần Nguyễn Danh Thế được cử đi sứ nhà Minh, ông nghè Tuy Lai đã mời thầy địa lý về làng của Nguyễn Danh Thế ở xã Viên Nội xem thế đất để tìm cách triệt phá, hãm hại. Sau khi xem xong thế đất, ông thầy địa lý nói rằng:

“Mảnh đất nhà Nguyễn Danh Thế có một ngôi mộ nằm ở thế rất đẹp, con đường thăng quan tiến chức của người này còn dài, đời sau còn có người tài cao làm quan to trong triều”. Nghe vậy, ông nghè tức lắm bèn thuê người đắp đê, nắn khúc sông chảy qua làng của Tiến sĩ Thế để trấn yểm. 

Khi Nguyễn Danh Thế đi sứ trở về biết chuyện đã tìm cách giải trận đồ. Ông cho người đào một cái đầm thật rộng lớn và đặt tên là đầm Lai, cách trận đồ của ông nghè kia gần chục cây số. Tuy nhiên, việc đào đầm Lai chỉ có thể hóa giải được những tai ương, điềm xấu đến với ông, còn các đời sau tiếc rằng không phát được nữa. Đầm Lai cũng có tác dụng triệt đường phát quan các đời sau của ông nghè Tuy Lai.

Nguyễn Danh Thế sống thọ đến 73 tuổi mới mất. Cuộc đời làm quan của ông gặt hái được nhiều thành công, được nhà vua ban cho giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Thượng thư bộ Hình, Đô ngự sử, Đường quận công, Tham tụng, Thái bảo. Khi ông qua đời, ông được triều đình truy tặng là Thái phó, Thượng thư bộ Hộ, Tả tư không, thụy là Văn Trung.

Con rắn cộc trong nhà thờ thọ 

Hiện mộ và nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế được người cháu đời thứ 16 trông nom, hương khói tại quê nhà. Nhà thờ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố vào năm 2006. Vì có công lao lớn với quê hương, ông được người dân tôn làm Thành hoàng làng.

Đầu tháng hai âm lịch, cả làng mở hội tưng bừng, thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng được tuyển chọn khắt khe để khiêng kiệu rước ông ra đình làng chơi hội.

Nhắc đến nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế, ông Núi chợt giật mình như nhớ ra điều gì. Ông cho biết: “Nhắc đến nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế, trong khuôn viên nhà thờ tự nhiên mọc lên một cây xoan trà. Cây có đường kính 35 – 40m, cao 9 – 10m, quả ăn rất ngọt và ngon. Nhưng ngặt nỗi, cứ đến mùa quả xoan trà chín thì xuất hiện một con rắn cộc. Ai muốn ra trẩy hái để ăn cũng bị con rắn dọa cho phát khiếp, thành ra ai cũng sợ không dám đến gần.

Chỉ đến khi nào gia đình nhà cụ Thế làm lễ tạ xin quả thì con rắn cộc mới bỏ đi, lúc bấy giờ mới lên trẩy hái được. Không chỉ vậy, những kẻ nào nghịch ngợm phá phách trèo lên hái quả, hay lẻn vào định ăn trộm cũng bị quở phạt, về nhà lăn đùng ra ốm, muốn khỏi ốm không cách nào khác là phải sắm lễ vật đến xin tha. Chỉ tiếc là cách đây vài năm, cây xoan trà đã chết. Cùng với cây xoan trà, trước nhà thờ Nguyễn Danh Thế còn có một cái sập bằng đá xanh nguyên khối rất đẹp”.

Trước thông tin về việc “đổi mộ thăng quan”, việc trấn yểm và con rắn cộc canh giữ quả xoan trà, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Viên Nội cho biết: “Những câu chuyện về Thành hoàng làng Nguyễn Danh Thế có rất nhiều nhưng những câu chuyện về việc trấn yểm thì không ai nắm rõ được vì đây chỉ là câu chuyện truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Còn câu chuyện về con rắn cộc canh giữ không cho ai hái quả xoan trà có lẽ chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng một số người đã thổi phồng sự việc khiến người khác sợ hãi. Còn về Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế, tên của ông cũng có trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Với những đóng góp của mình dành cho quê hương, đất nước, người dân xã Viên Nội đã tôn kính tôn ông làm Thành hoàng làng, che chở bảo vệ cho dân làng”.

Đọc thêm