2.016 người Đức độc thân đã được theo dõi cho tới khi họ có con và đứa trẻ lên ít nhất là 2 tuổi trong cuộc nghiên cứu do hai tác giả Rachel Margolis và Mikko Myrskylä tiến hành. Margolis là nhà nghiên cứu xã hội học tại Đại học Western Ontario (Canada) trong khi Myrskylä là giám đốc Viện nghiên cứu nhân khẩu Max Planck (Đức). Những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ hạnh phúc từ 0 (thất vọng hoàn toàn) tới 10 (hài lòng tuyệt đối) trước câu hỏi: "Bạn hài lòng đến mức nào về cuộc sống của mình trên tất cả mọi phương diện?".
Báo Washington Post dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù cuộc thăm dò không hỏi thẳng về trải nghiệm nuôi con nhỏ nhưng như vậy sẽ cho kết quả chính xác hơn, bởi các bậc cha mẹ thường có khuynh hướng không nói những điều tiêu cực liên quan đến đứa con nhỏ của mình, nhất là con đầu lòng. Chẳng hạn, họ sẽ rất khó thốt ra ý nghĩ: sinh con làm đời tôi mất hạnh phúc.
Kết quả thăm dò cho thấy hầu hết các cặp đôi đều sung sướng hạnh phúc khi lên kế hoạch sinh con đầu lòng. Trong một năm trước khi đứa trẻ chào đời, mức độ hài lòng của họ càng tăng lên, có lẽ là do trải nghiệm mang thai và sự háo hức chờ đón đứa con đầu lòng.
Nhưng đến khi niềm mong chờ của họ xuất hiện, mọi chuyện mới đi theo chiều hướng ngược lại. Chỉ khoảng 30% người tham gia giữ được hoặc tăng cao mức độ hài lòng về cuộc sống trong 2 năm đầu có con. 70% còn lại cho biết hạnh phúc của họ suy giảm, trong số đó 37% giảm 1 điểm, 19% giảm 2 điểm và 17% giảm 3 điểm.
|
Ở các nước phát triển, có con là một lựa chọn và rất nhiều người chọn câu trả lời "không" - Ảnh: Shutterstock |
Tính trung bình, có con nhỏ đầu lòng làm giảm 1,4 điểm hạnh phúc của các ông bố, bà mẹ. Đó là một con số cực lớn.
Để so sánh, các nhà nghiên cứu dẫn các thăm dò trước đó về các biến cố lớn khác trong cuộc đời: ly hôn làm giảm 0,6 điểm hạnh phúc, thất nghiệp giảm 1 điểm và cái chết của bạn đời giảm 1 điểm.
"Kinh nghiệm đau thương" về việc nuôi con đầu lòng đã khiến cho nhiều bậc cha mẹ hết dám "làm đứa nữa" mặc dù trong cuộc nghiên cứu, hầu hết đều cho biết họ mong muốn có 2 đứa con. Chỉ số suy giảm hạnh phúc càng lớn, tỉ lệ có con thứ 2 càng thấp. Điều này càng phổ biến ở những bậc cha mẹ trên 30 tuổi và học thức cao. Hậu quả cuối cùng: tỉ lệ sinh con ở Đức mãi ở mức thấp: 1,5 con/1 phụ nữ suốt 40 năm qua.