“Nút gỡ” của động lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đối thoại với người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng bao giờ cũng là cách tiếp cận cuộc sống chính xác nhất. Từ đó giúp những người lãnh đạo có trách nhiệm thiết kế chính sách khả thi hơn; quản trị đất nước hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn gì? Tại sao doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, kết quả hoạt động từ trước đến nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế? Giải pháp, động lực nào để khơi thông nguồn lực của khu vực DNNN? Đây là những câu hỏi không mới, nhưng luôn đặt ra rất thời sự.

Cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị (khóa XI) có Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Từ Trung ương đến địa phương đều đã “tổng kết 10 năm thực hiện”, nhưng rất nhiều câu hỏi còn chưa có câu trả lời. Có thể hiểu từ sự vận động liên lục của cuộc sống, sự bảo thủ theo quy luật của quản lý. Chính sách hiện hành thường tổng kết từ thực tiễn, khi ban hành xong nhiều vấn đề trở nên lạc hậu, thậm chí “xung đột”.

Lực cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN đến từ đâu, từ thể chế, từ cơ quan chủ quản, hay từ tổ chức vận hành của doanh nghiệp? Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với DNNN ngày hôm qua, diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tình hình thế giới có những diễn biến bất ngờ, tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội trong nước. Các doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng bước vào khôi phục hoạt động sau khi COVID-19 được kiểm soát. Có thể nói, đây chính là một “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế để các doanh nghiệp có thể chia sẻ và cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe, từ đó rút ra những định hướng, giải pháp.

Ai cũng biết, những khu vực kinh tế khác nguồn lực ít hơn mà vẫn vận hành và phát triển, còn khu vực DNNN nguồn lực lớn, thậm chí từng được ưu ái, nhiều lợi thế so sánh nhưng sức ì lớn, vận hành kém hiệu quả.

Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nguồn lực của khối DNNN còn nhiều, trong đó, đáng chú ý dư địa vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ. Ngoài ra, DN có khả năng huy động vốn nhưng không huy động mà thường vay ngân hàng hoặc trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong DNNN vẫn còn tâm lý ngại làm, sợ trách nhiệm, không chỉ trong cổ phần hoá thoái vốn mà kể cả các dự án đầu tư. Nhiều dự án như Dự án sân bay Long Thành, Dự án Nhà máy Thái Bình 2, nếu như không có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, ráo riết của người đứng đầu Chính phủ thì chậm chuyển động. Trách nhiệm giám sát của các bộ, ngành vẫn “điệp khúc cũ” không rõ ràng.

Đại hội XIII đưa ra với tinh thần chung là lấy doanh nghiệp là trung tâm, xác định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Để DNNN phát triển, khẳng định được vị thế, cần gỡ những “nút gỡ” của động lực.

Đọc thêm