“Chiến tranh” gia đình vì của hồi môn
Theo một thống kê của Ấn Độ, một nguyên nhân rất phổ biến trong số các nguyên nhân gây nên mâu thuẫn của các gia đình nơi đây, đó là vấn đề hồi môn. Pankaj, một phụ nữ Ấn ở tỉnh Vaishali lấy chồng đã được ba năm, Pankaj kể, cô chưa có ngày được bình yên, vui vẻ với nhà chồng, chỉ vì vấn đề hồi môn.
Trước đây, Pankaj và Sanjay, chồng cô được mai mối để đến với nhau. Gia đình Sanjay đòi hồi môn trước khi cưới là hai con trâu, một chiếc xe máy, một bộ nữ trang và một chiếc tivi, cùng với một khoản tiền 30.000 rupi.
Tuy nhiên, sau khi gom hết tiền dành dụm, cha Pankaj chỉ có thể đáp ứng được số tiền nói trên cùng với bộ nữ trang, còn tivi và xe máy thì đành chịu, bởi nhà đã hết sạch tiền. Chính vì không đáp ứng đủ đồ hồi môn cho gia đình nhà chồng, ngay từ những ngày đầu về, Pankaj đã đối mặt với sự khinh rẻ, ghẻ lạnh.
Ngoài việc đảm nhận nấu nướng cho đại gia đình gồm 11 người, Pankaj còn phải kiêm luôn giặt giũ, quét dọn… như một người làm trong nhà. Cho dù cực nhọc, cô cũng không dám hé răng than thở tiếng nào.
Prijanka, một phụ nữ sống ở khu chợ thuộc tỉnh Calcutta có một cửa hàng chuyên bán các loại trái cây. Trước kia, Prijanka có một đời chồng, sau đó đã ly hôn, cũng chỉ vì vấn đề hồi môn. Prijanka kể, cô và chồng yêu nhau rồi lấy nhau chứ không phải gia đình ép gả hay mai mối. Gia đình Prijanka và gia đình chồng đều có tài sản khá.
Tuy nhiên, nhà chồng Prijanka đòi hỏi của hồi môn khá cao: Một món tiền hồi môn 200.000 rupi cộng với rất nhiều nữ trang giá trị và một chiếc ô tô. Gia đình Prijanka bức xúc, vì chiếu theo truyền thống, chú rể chỉ là một người buôn bán nhỏ thì không tương xứng với mức hồi môn cao như thế. Chính vì chuyện hồi môn này mà hai gia đình tranh cãi nhau khá lâu.
Cuối cùng, Prijanka cũng đã “trả giá” xuống còn 100.000 rupi cùng với các của cải kèm theo. Nhưng cũng vì thế mà mối quan hệ giữa hai nhà bị rạn nứt, mối quan hệ của hai vợ chồng cùng hục hặc suốt. Đề tài cãi cọ của họ luôn xoay quanh vấn đề hồi môn, chồng Prijanka thì trách gia đình cô keo kiệt, còn Prijanka thì trách chồng cùng nhà chồng ham của cải vật chất.
Cuối cùng, sau năm năm sống chung không hạnh phúc, Prijanka ly hôn. Gia đình Prijanka đã cho cô một số vốn để mở cửa hàng buôn bán. Prijanka chia sẻ, cô thấy hài lòng với hiện tại. Cô có thể tự làm lụng kiếm tiền cho bản thân, và đang tìm kiếm một người chồng không coi trọng vật chất, đòi hỏi những món hồi môn quá lố như chồng trước.
Bên cạnh bất hòa và các vụ ly hôn gia tăng, việc đòi hỏi hồi môn nhà gái cũng đã gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn khác, như nạn bạo lực hôn nhân, thậm chí có cả những cái chết của phụ nữ bị gây ra bởi nhà chồng chê hồi môn ít.
Trước tình trạng này, chính phủ Ấn đã có lệnh cấm đòi, cấm nộp hồi môn, đi kèm là chế tài và án phạt tù. Tuy nhiên, việc đòi hồi môn nhà gái đã trở thành một truyền thống lâu đời thấm sâu vào thói quen của người Ấn, thế nên, dường như lệnh này vẫn không hề có hiệu lực.
Vượt ra hủ tục
Rahul, một người đàn ông 35 tuổi, sống ở Bodh Gaya, làm nghề hướng dẫn viên du lịch chia sẻ, thực chất, từ ngàn xưa, việc phụ nữ đem của hồi môn đi cưới chồng xuất phát từ tính chất mẫu hệ của người Ấn.
Cạnh đó, đây cũng là một tập tục biểu hiện sự phân chia vai trò gia đình. Người phụ nữ đem tiền đi cưới chồng, nhưng sau khi lấy chồng rồi, cô sẽ được quyền ở nhà cho chồng nuôi, và người chồng phải làm lụng kiếm thu nhập nuôi sống gia đình mình.
Tuy nhiên, tập tục này theo năm tháng và sự thực dụng của con người đã bị biến thành một hủ tục với quá nhiều tiêu cực và hệ lụy xấu cho xã hội.
Tùy theo địa vị của người chồng và gia đình chồng, gia đình người vợ phải có những món hồi môn cho xứng đáng. Mới đây, đám cưới giữa con gái chủ một chuỗi cửa hàng tiện dụng với con trai chủ một resort hạng sang đã diễn ra, với món tiền hồi môn nhà gái đem đến cho nhà trai tương đương 1 tỉ đồng Việt Nam.
Tất nhiên, nếu thỏa thuận được và hài lòng với những món đồ hồi môn, thì sẽ không có rắc rối gì xảy ra, mọi người đều vui vẻ. Nhưng chuyện cặp đôi ấy có hạnh phúc hay không, tất cả lại là chuyện… vợ chồng, không chỉ phụ thuộc vào hồi môn.
Tuy nhiên, không phải cô dâu nào cũng gặp bất hạnh vì của hồi môn, vẫn có những ngoại lệ đáng yêu. Rahul kể, anh có người bạn gái có cha làm tài xế lái xe, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5000 rupi (tương đương 3,5 triệu tiền Việt). Cô gái này lại hẹn hò với một chàng trai có cha là chủ nhà hàng ăn uống.
Ban đầu, nhà trai đòi hồi môn vượt quá khả năng của nhà gái, tưởng chừng như cả hai không thể đến với nhau. Tuy nhiên, với sự đấu tranh kiên trì của hai người yêu nhau, cộng với nhà trai hài lòng vì con dâu tương lai xinh xắn, hiền lành và đảm đang, nên cuối cùng hồi môn chỉ rút lại vẻn vẹn có… một cặp vòng đeo tay cho cô dâu, chú rể. Và sau đó họ sống với nhau hạnh phúc.
Những món thách cưới nặng vật chất đã mang đến quá nhiều tiêu cực cho xã hội Ấn Độ, những vụ đánh đập, ly hôn, những vụ tử tự hàng loạt của phụ nữ có chồng, và cả những vụ nạo thai khi biết thai nhi là con gái.
Nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều phụ nữ Ấn ngày nay đang kiên quyết đấu tranh để loại bỏ hủ tục này ra khỏi đời sống, đem lại cho hôn nhân sự thuần khiết của tình yêu thương thay vì được quyết định bởi giá trị của những món tiền.
Con đường khá gian nan, hy vọng với sự phát triển đi lên của xã hội, một ngày nào đó tất cả phụ nữ Ấn có thể tự quyết định số phận và hôn nhân của mình, chứ không phải “đi cưới chồng” bằng tiền và bất hạnh cũng vì tiền.