Oan án 46 năm: Vết sẹo khó mờ

(PLO) - Ngồi thơ thẩn nghĩ lại chuyện quá khứ, ông Trần Văn Thêm cùng cô con gái đầu không khỏi rơi nước mắt khi bản thân bị vướng vào oan án khiến tình cảm anh em trong gia đình trở nên sứt mẻ, hàng xóm dị nghị với những lời nói cay nghiệt.

5 năm 6 tháng 7 ngày tù oan và hành trình 46 năm mang thân phận bị can

Theo diễn biến của vụ án, ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, trú ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) và người em họ cùng quê là ông Nguyễn Khắc Văn thường đi xe đạp thồ từ huyện Yên Phụ (Bắc Ninh) đến huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để bán thuốc lào và mua quả trám đen.

Đêm 23/6/1970, ông Thêm và ông Văn cùng nhau đi mua hàng và ngủ đêm tại một căn lều ven đường thuộc địa bàn phố Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Đến khoảng 1h sáng thì người dân phát hiện hai anh em ông Thêm kêu cứu và bị thương ở đầu nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, ông Văn đã không qua khỏi. 

Sau đó, đến tháng 7/1970, ông Trần Văn Thêm bị Phòng Chấp pháp, Ty Công an tỉnh Vĩnh Phú (cũ) khởi tố và bắt tạm giam do bị cáo buộc là thủ phạm giết người và cướp tài sản của ông Nguyễn Khắc Văn.

Hai năm sau (1972), khi bị đưa ra trước vành móng ngựa của TAND tỉnh Vĩnh Phú (cũ), với cáo buộc sát hại người em họ, ông Thêm đã một mực kêu oan. Tuy nhiên, kết thúc phiên sơ thẩm, ông vẫn nhận án tử hình cho hai tội giết người, cướp tài sản.

Sang năm 1973, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm với ông Thêm. Ông Thêm quyết tâm chống án đến cùng.

Sau 46 năm làm bị án, ông Thêm được người thân cùng luật sư đưa tới hội trường buổi lễ công khai xin lỗi và đình chỉ bị can trong tâm trạng xúc động, vui mừng.
Sau 46 năm làm bị án, ông Thêm được người thân cùng luật sư đưa tới hội trường buổi lễ công khai xin lỗi và đình chỉ bị can trong tâm trạng xúc động, vui mừng.

Đến đầu năm 1976, sau 5 năm 6 tháng 7 ngày tù bị tạm giam, ông Thêm được trả tự do, về địa phương sinh sống vì một nghi can cải tạo tại trại là Phan Thanh Nhàn (17 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phú cũ) khai nhận mình là hung thủ gây ra vụ giết người tại Cầu Diện. Tuy nhiên “bản án tinh thần” vẫn không tha ông. Khát khao được minh oan, được chính thức trở lại làm người tự do đã thôi thúc ông Thêm tiếp tục đi kêu oan.

Từ đó đến nay, ông Thêm vẫn phải mang thân phận bị can vì vụ án này không được đình chỉ điều tra, cũng không tiếp tục thủ tục truy tố hoặc xét xử lại. Ông đã gửi đơn kêu oan nhiều nơi nhưng đều bị một số cơ quan trả lời là không đủ căn cứ xác định oan sai do không tìm thấy giấy tờ.

Đến năm 2014, LS Vũ Văn Lợi (Cty Luật TNHH Hòa Lợi) đã thực hiện tư vấn và thu thập được hai bản án kết tội ông Thêm vào năm 1972 và năm 1973 để làm căn cứ kêu oan và đề nghị được bồi thường oan sai.

Lý do kéo dài việc đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm được đại diện TAND Tối cao lý giải là do hung thủ thật sự của vụ án đã bị chết; do chiến tranh, chia tách địa giới hành chính tỉnh nên tài liệu bị thất lạc.

Cho đến tháng 4/2015, cơ quan CSĐT Bộ Công an mới thu thập được các bản án. Do đó, các cơ quan liên ngành tư pháp đã họp thống nhất về việc đình chỉ bị can đối với ông Thêm.

Vết sẹo khó mờ

Đến sáng ngày 11/8/2016, liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức lễ công khai xin lỗi và công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm.

Tại buổi lễ, ông Thêm phát biểu: “Tôi có một mong muốn xin bà con làng xã quê hương và gia đình con cháu của ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ, thông cảm với nỗi oan ức của tôi trong 46 năm qua. Từ nay về sau, con cháu anh em hai gia đình gắn kết lại tình cảm gia tộc để quay lại tình nghĩa như trước đây”. Lời nói tự đáy lòng của ông Thêm khiến bao người tới dự phải rơi nước mắt và vỗ tay hoan hô. 

Sau buổi lễ công bố, ông Nguyễn Khắc Quang (người con thứ 2 của ông Văn) dơ tay lớn tiếng yêu cầu: "Ông Thêm được minh oan thì ai là người chịu trách nhiệm trong cái chết của bố tôi? Phải công bố ai là người giết bố tôi? Tại sao không công bố để hai gia đình bất hoà bao nhiêu năm?”. Tuy nhiên, đại diện của ban tổ chức cho rằng trong buổi hôm nay không giải quyết nội dung này.

Ông Thêm (trái) cùng cô con gái đầu chia sẻ với phóng viên.
Ông Thêm (trái) cùng cô con gái đầu chia sẻ với phóng viên.

Nhắc lại chuyện quá khứ, chị Trần Thị Xuân (con gái đầu ông Thêm) cho biết, từ khi ông Thêm bị bắt tình cảm hai bên gia đình bị sứt mẻ. Khi giáp mặt nhau ngoài đường là gia đình ông Văn luôn miệng miệt thị và nói rằng ông Thêm là hung thủ. 

Tuy nhiên, chị Xuân vẫn luôn khẳng định hung thủ là người khác chứ không phải bố mình nhưng gia đình ông Văn không ai tin tưởng còn viết đơn kiện gia đình nhà ông Thêm.

“Hồi còn nhỏ, có một lần đứa em thứ 3 (anh Trần Văn Lộc – Phóng viên) nhà tôi bị anh em nhà ông Văn đánh vì chuyện này. Thời điểm đấy tôi cũng chỉ biết bảo các em chịu đựng vì tôi tin rằng công lý, pháp luật sẽ làm sáng rõ vụ việc. Giờ sự việc đã sáng tỏ nhưng tình cảm hai bên gia đình đã rạn nứt, khó có thể được như ngày xưa”.

Thẫn thờ nhớ về thời điểm hơn 40 năm trước, ông Thêm gắng giọng: “Vợ tôi đã mất lâu rồi, bản thân từ ngày được thả về bị bệnh tật phải một mình nuôi 6 đứa con nên rất vất vả và chịu tủi nhục. Nghĩ mà thương các con, bị dân làng rồi gia đình nhà đứa em (gia đình nhà ông Văn – Phóng viên)  miệt thị, khinh bỉ khiến các con, các cháu hai bên hận thù nhau”.

Vừa nói đến đây, bà Xuân liền nắm tay ông Thêm khóc và nói: “Sự việc như một vết sẹo khó có thể mờ đi được, bây giờ bố chỉ cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng đừng suy nghĩ gì cả, tất cả đã có các cơ quan ban ngành vào cuộc, gia đình mình đã được minh oan rồi, hàng xóm láng giềng cũng sẽ cảm thông với gia đình mình thôi”.

Vậy là niềm trăn trở của gia đình ông Thêm đã được giải tỏa. Nhưng còn những ấm ức của gia đình nhà ông Nguyễn Khắc Văn thì đến tận bây giờ vẫn chưa nguôi. Họ cho rằng, pháp luật vẫn thiếu lẽ công bằng.

Đọc thêm