Oan khiên vụ hứa thưởng bị hình sự hóa 15 năm tù: Hồ sơ vụ án có văn bản nghi vấn dàn dựng, giả mạo

(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, ông Nguyễn Văn Ngọc (SN 1950, ngụ thôn Hà Đông, xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa; nay là TX Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ròng rã kêu oan hàng chục năm nay sau khi bị tuyên bản án 15 năm tù. Trong hồ sơ vụ án, có dấu hiệu cho thấy có văn bản bị dàn dựng, giả mạo.

Quan hệ hứa thưởng bị hình sự hóa ra sao?

Một Luật sư (LS) thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét, giao dịch giữa ông Ngọc và 3 vị khách có đầy đủ điều kiện là giao dịch hứa thưởng theo Điều 590 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015: “Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội”.

Thế nhưng theo cơ quan tố tụng (CQTT) Thanh Hóa, ông Ngọc “đã có hành vi lừa dối các hộ, nói diện tích đất của họ không được đền bù, phải để ông Ngọc “chạy” mới được đền bù”. CQTT cáo buộc ông Ngọc không hề “chạy”, không chứng minh được “chạy” như thế nào, không liên hệ với cơ quan có thẩm quyền nào để giải quyết quyền lợi cho các hộ dân, không gặp ai để tác động, không ai cung cấp giấy tờ nào liên quan việc bồi thường. Việc 3 khách hàng được đền bù thêm “là điều đương nhiên theo quy định pháp luật”.

Những cáo buộc trên khó thuyết phục. Lời khai các bên cho thấy sau khi khiếu nại hàng năm vẫn không được bồi thường, các khách hàng mới đến nhờ ông Ngọc giúp đỡ. Thứ hai, ông Ngọc đã giúp khách làm đơn thư, lên xã huyện tỉnh tìm kiếm tài liệu, liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai (Sở TN&MT) để được cấp sổ mục kê, bản đồ địa chính xã năm 1996, trong đó có tên các hộ dân. Chính nhờ có các tài liệu này, ông Ngọc mới có thể tư vấn khách hàng tiếp tục làm đơn khiếu nại và Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất mới họp lại, đền bù cho các hộ dân.

Bản đồ địa chính cán bộ xã Hải Hà giấu nhẹm, ông Ngọc kỳ công tìm kiếm ra làm căn cứ đòi quyền lợi cho các hộ dân.
 Bản đồ địa chính cán bộ xã Hải Hà giấu nhẹm, ông Ngọc kỳ công tìm kiếm ra làm căn cứ đòi quyền lợi cho các hộ dân.

Tại phiên sơ thẩm lần 2, bà Lê Thị  Nhạn, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) đã xác nhận việc ông Ngọc liên hệ xin cung cấp thông tin và chính bà Nhạn đã cung cấp. Mười năm sau, hiện bà Nhạn vẫn công tác tại đơn vị cũ, vẫn khẳng định: “Tôi xác nhận việc ông Ngọc liên hệ xin cung cấp thông tin đất đai và tôi chính là người cung cấp theo đúng quy định pháp luật”. 

Tương tự, sau một thập kỷ, các “bị hại” trong vụ án vẫn tái khẳng định đây chỉ là việc hứa thưởng, không ai lừa ai, họ không phải “bị hại”. Bà Mai Thị Liên kể: “Ao hồ là do vợ chồng tôi đào đắp từ 1985-1986 nhưng xã cho rằng đất lấn chiếm không được đền bù, chỉ được trả 59 triệu tiền đào đắp. Chồng mất, tôi và các con không hiểu biết nhiều. Tôi nói với chú Ngọc giúp đỡ, hứa nếu đòi được sẽ cho chú một nửa, chỉ nói miệng chứ không giấy tờ gì. Sau này nhận được tiền thì tôi thực hiện đúng lời hứa với chú Ngọc”.

Ông Lê Hữu Việt khẳng định khi phát hiện việc xã có khuất tất trong đền bù, đã lên xã đề nghị cho xem bản đồ địa chính nhưng được trả lời “bị mất”. Sau đó ông chủ động nhờ ông Ngọc giúp, nếu đòi được tiền sẽ chia đôi, hứa miệng. “Hôm nhận tiền, tôi đưa ông Ngọc, có nhiều người chứng kiến và tôi hoàn toàn tự nguyện”, ông Việt nói. Tương tự, ông Mai Đình Lại khẳng định ông đã chủ động nhờ và thực hiện lời hứa thưởng sau khi có kết quả vì ông Ngọc có công giúp đỡ.

Thế nhưng bất chấp sự việc rõ ràng như vậy, TAND huyện Tĩnh Gia và TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn tuyên ông Ngọc 7 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tờ giấy ủy quyền ở đâu ra?

Trong hồ sơ vụ án, còn có dấu hiệu cho thấy một số văn bản bị dàn dựng, giả mạo, vô lý.

Thứ nhất là, giấy ủy quyền của ông Mai Đình Lọc ủy quyền cho bà Liên nhận tiền đền bù mà CQĐT kết luận “ông Ngọc giả mạo chữ ký ông Lọc”. Trong khi đó ông Ngọc nói không ký tên, không biết tờ giấy ủy quyền này cho đến lúc ra tòa. Bà Liên cũng khẳng định không hay biết giấy ủy quyền này.

Ông Ngọc còn chỉ ra điểm vô lý của giấy ủy quyền này ở chỗ: Chồng bà Liên là Nguyễn Văn Trám là chủ hộ, đứng tên trong sổ mục kê, nhưng sau khi đo đạc thì hồ sơ lại đứng tên Mai Đình Lọc. Đúng ra sau khi ông Trám chết, người đứng tên trong danh sách nhận đền bù phải là vợ ông Trám, tức bà Liên.

Cũng theo bà Liên, sau khi biết danh sách nhận đền bù đứng tên Mai Đình Lọc, bà đã lên xã làm rõ sự việc, sau đó bà vẫn là người ký vào danh sách để nhận tiền đền bù bổ sung. 

Thứ hai là một số hợp đồng khống. Phản bác cáo buộc “lập khống các hợp đồng để ràng buộc và bắt các hộ gia đình đưa tiền”, ông Ngọc cho rằng: “Có thể CQĐT thu thập được một số hợp đồng mẫu khi khám xét văn phòng công ty tôi. Trong những hợp đồng này không có chữ ký của tôi, nên CQĐT lập luận như trên là vu khống, không có cơ sở”.

Thứ ba là Văn bản số 21/UBND “đề nghị xử lý hành vi vi phạm của Nguyễn Văn Ngọc” UBND xã Hải Hà gửi CA tỉnh Thanh Hóa đề ngày 18/4/2010. Trong đó có đoạn: “Trong quá trình thực hiện việc GPMB để bồi thường (…) còn một số không thực hiện việc GPMB và nhận tiền đền bù, còn đòi hỏi nhiều chế độ và yêu sách, gửi nhiều đơn thư lên xã, huyện, tỉnh và Trung ương; khi đã phê duyệt tiền đền bù nhưng không nhận, để kêu kiện làm cho việc GPMB chậm tiến độ”.

Vẫn văn bản này: “Mặc dù đã được Hội đồng xét nguồn gốc đất xã họp xét và các cơ quan chức năng của huyện xem xét giải quyết, Chủ tịch UBND huyện kết luận, nhưng Nguyễn Văn Ngọc xúi giục và nhận đi kêu kiện để lấy tiền của họ khi được chi trả tiền đền bù, gây khó khăn cho việc bàn giao và GPMB…”. Cuối văn bản là chữ ký có đóng dấu của Chủ tịch UBND xã và chữ ký của ông Đào Văn Tình là Thường trực Đảng ủy xã lúc đó có đóng dấu Đảng ủy xã.

Tuy nhiên ông Tình cho rằng không ký vào văn bản trên. “Văn bản này có nhiều điểm lạ, sai về thể thức. Nếu văn bản của UBND xã thì không cần trình Đảng ủy xã. Hơn nữa ở phần Đảng ủy xã chỉ đóng dấu và có chữ ký kèm tên tôi. Là người từng làm Bí thư, Chủ tịch xã, tôi không thể ký vào văn bản sai thể thức như thế, chưa kể ở phần ký tên đúng ra phải là Bí thư đảng ủy hoặc phó Bí thư, ở đây chỉ có tên tôi trống trơn”. 

Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Đào Văn Tình cũng hồ nghi về Văn bản số 21.
 Nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Đào Văn Tình cũng hồ nghi về Văn bản số 21.

Vẫn lời ông Tình: “Mãi sau khi ông Ngọc ra tù, tôi mới biết có văn bản trên.  Tôi hỏi Chủ tịch xã ký tên trong văn bản thì được trả lời giao cán bộ địa chính thực thi. Tôi tiếp tục hỏi cán bộ địa chính thì người này cũng không nắm rõ”.  

Lập luận thiếu thuyết phục như vậy, hồ sơ dấu hiệu vi phạm tố tụng như vậy, thế nhưng ông Ngọc vẫn bị nhận án tù. Để đến nay, không chỉ mình ông đau khổ, mà thẩm phán chủ tọa phiên tòa xử ông cũng day dứt ân hận: “Có một điều phải thừa nhận là ông Ngọc có làm, có tác động giúp các hộ dân. Nếu không có bị hại bị lừa đảo thì không có hành vi lừa đảo. Trong bản án tôi vẫn ghi những người này “vì là anh em ông Ngọc nên từ chối việc bị lừa còn bản chất là bị lừa”, ghi như thế mới kết tội được ông Ngọc”.

Sau 10 năm, thẩm phán chủ tọa vì day dứt lương tâm, còn tiết lộ sự thật vì sao lại xảy ra oan án này.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.

Vô lý khi đưa tiền cho dân cũng bị buộc tội… “môi giới hối lộ”:

Cáo buộc ông Ngọc “môi giới hối lộ” cũng bị xem là vô lý không kém. Theo ông Ngọc, sau khi nhận lời giúp ông Lê Văn Luật làm sổ đỏ, ông căn cứ vào giá đất năm 2005 của UBND tỉnh để tính các chi phí nộp thuế và tiền công 2 triệu đồng/hồ sơ, hết khoảng 20 triệu đồng/sổ đỏ 200m2. Ông Ngọc sau đó “bán cái” cho ông Hoàng Văn Chúc là một người dân thường, chỉ lấy 5 triệu tiền “cò”. Ông Ngọc khẳng định không hề biết ông Chúc liên hệ cán bộ Phòng TN&MT, không biết chủ trương dừng chuyển mục đích sử dụng đất tại Nghi Sơn của UBND tỉnh.

“Môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian tạo điều kiện để bên đưa và bên nhận hối lộ thỏa thuận việc đưa và nhận hối lộ. Ở đây tôi chỉ làm “cò” dịch vụ giấy tờ nhà đất, không biết người mình nhờ sẽ đưa hối lộ, cũng không biết người có chức vụ quyền hạn nhận hối lộ sẽ là ai, thì sao lại kết tội tôi môi giới?”, ông Ngọc đặt câu hỏi.

Đọc thêm