Ông chủ Việt Á khai đưa 800.000 USD xuất phát từ tình cảm cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo lời khai của ông chủ Việt Á, việc đưa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng số tiền 800.000 USD xuất phát từ tình cảm cá nhân.
Bị cáo Phan Quốc Việt tại tòa.
Bị cáo Phan Quốc Việt tại tòa.

Ngày 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đưa bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Cty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á), Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá Quân đội, cựu Phó Giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân Y (HVQY), Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) và 4 bị cáo khác ra xét xử.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau bục khai báo, bị cáo Trịnh Thanh Hùng khai đầu năm 2020, dịp trước Tết Nguyên Đán, có nhận điện thoại của Hồ Anh Sơn. Qua điện thoại, Sơn nói HVQY tiếp cận được tài liệu của Đức và đã thử nghiên cứu kit test COVID nhưng chi phí cao nên cần Bộ KH&CN hỗ trợ.

Lúc đó, bị cáo Hùng trả lời, HVQY cần tìm doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 13485, hợp tác nghiên cứu, để nếu thành công, sản phẩm mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Bởi nếu không có chứng chỉ ISO liên quan, dù nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm, cũng không được Bộ Y tế cấp phép.

Do Sơn nói không quen doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu đó nên Hùng mới giới thiệu Phan Quốc Việt vì Cty Việt Á có đủ điều kiện.

“Bị cáo làm việc 16 – 17 năm, chỉ biết duy nhất Cty Việt Á là có chức năng, năng lực, sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép”, bị cáo Hùng khai và cho biết, sau đó bị cáo gọi điện cho Phan Quốc Việt, bảo hợp tác với HVQY.

Quá trình khai báo, bị cáo Hùng khẳng định cả đơn vị và bị cáo không có tác động tới kết quả Đề tài. Ông Hùng nói theo quy định, người có quyền lựa chọn sản phẩm mẫu để nghiệm thu là cơ quan chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiên, là HVQY và Việt Á.

Bị cáo Hồ Anh Sơn thừa nhận sai phạm và nói bị cáo đã triển khai đề tài nhưng không được như kỳ vọng. Liên quan đến việc giới thiệu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO 13485, ông Sơn khai, Hùng chỉ trao đổi qua điện thoại. Do nhóm HVQY không thể tự tìm ra doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, khi Trịnh Thanh Hùng đề xuất Việt Á thì bị cáo đồng ý và đưa tên Việt Á vào đề xuất.

Ngoài ra, ông Sơn có nhắc tới cuộc gặp giữa 3 người (Sơn, Hùng, Việt) trao đổi trực tiếp tại quán cà phê gần Bộ KH&CN. Khi gặp nhau, họ chỉ trao đổi nội dung mong sản xuất ra kit nhanh nhất. Ông Sơn khẳng định giữa họ chưa bao giờ bàn về lợi ích.

Về phần mình, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận bản thân đã không thực hiện đúng nội dung mà Bộ KH&CN giao cho HVQY. Thừa nhận sai phạm, bị cáo Việt mong HĐXX xem xét bối cảnh, tình thế. “Lúc đó khi bị cáo không còn cách nào khác”, bị cáo Việt nói.

Liên quan đến vấn đề lợi ích, Phan Quốc Việt khẳng định từ lúc giới thiệu đến tận sau này, bị cáo Hùng không yêu cầu hay trao đổi về lợi ích, cả 2 chỉ nghĩ sản xuất 20.000 test là sẽ dừng vì nghĩ dịch không kéo dài.

Về số tiền mang biếu ông Hùng vào dịp 2/9 và Tết âm lịch 2020, ông chủ Việt Á khẳng định đây hoàn toàn là tình cảm riêng của bị cáo với bị cáo Hùng. Ông Hùng chỉ liên quan đến đề tài, không liên quan đến quá trình sau đó.

Là bị hại trong vụ án, đại diện HVQY xin HĐXX căn cứ vào thành tích của 4 bị cáo từng là cán bộ của Học viện để giảm nhẹ cho họ. Bởi nhiệm vụ phòng chống dịch cần thực hiện gấp nên họ cũng không được tập huấn nghiệp vụ về việc này, quá trình triển khai cũng gấp gáp nên xảy ra sai phạm. Bị hại mong HĐXX có thể cân nhắc, xem xét quá trình công tác, cũng như những thành tích mà họ đạt được để giảm nhẹ hình phạt./.

Đọc thêm