Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, theo đại diện VKS, Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Cty Phú Hưng Phát) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giả và chỉ đạo một số bị cáo khác thực hiện hành vi.
Ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Thuận được đánh giá khai báo thành khẩn và tích cực khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp thêm tình tiết mới, trong đó có tài liệu thể hiện việc khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. “Đây là tình tiết mới nên VKS thấy có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Thuận”, lời kiểm sát viên.
Sau đó, kiểm sát viên đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Thuận, giảm cho bị cáo này 2 năm tù xuống còn 8 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Đối với bị cáo Lê Việt Phương (cựu Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17, Cục QLTT), theo đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt và khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có thêm tình tiết mới, có công phát hiện đối tượng có hành vi gắn chip gian lận xăng dầu, đối tượng sau đó đã bị khởi tố điều tra. Nên VKS thấy có căn cứ chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo. Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phương 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đối với bị cáo Trần Hùng, theo lời kiểm sát viên, căn cứ hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, VKS thấy ông Hùng đã nhận hối lộ, tòa sơ thẩm tuyên ông Hùng 9 năm tù là có căn cứ nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo của ông Hùng.
Đối với các bị cáo còn lại, kiểm sát viên đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của một số bị cáo; chấp nhận kháng cáo của một số bị cáo.
Khi được HĐXX cho đối đáp lại quan điểm của VKS, đa số bị cáo được đề nghị chấp nhận kháng cáo nói “bị cáo không đối đáp gì”, “xin HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS, cho bị cáo được giảm án, hưởng án treo”. Một số bị cáo thì nói bản thân rất ăn năn, hối hận, sức khỏe yếu, là lao động chính trong gia đình, xin tòa xem xét./.