Vừa qua, một Giám đốc Ban Quản lý dự án ở Hà Trung (Thanh Hóa) đã bị Tòa tuyên 30 tháng tù về hành vi này. Ông ta gọi điện cho chủ doanh nghiệp trên địa bàn, yêu cầu nộp 100 triệu đồng đảm bảo cho việc trúng thầu công trình xây dựng Nhà văn hóa xã.
Vụ việc bị phát giác và có kết quả như trên. Tuy nhiên, tội danh mà cựu Giám đốc này bị buộc lại là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đúng ra, bị cáo này đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, nếu không là Giám đốc Ban Quản lý dự án thì ông có “lừa đảo” được không. Đây chính là tội phạm về chức vụ, tham nhũng.
Tại một diễn biến khác mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ảnh (tháng 11/2018) khá trường tận. Một Đại úy công an ở Cần Thơ sau khi phá một ổ nhóm cờ bạc với sự góp mặt của các “thiếu gia” tại địa phương này đã phải điều chuyển đến một huyện xa nhất để làm công tác phong trào.
Trả lời báo giới vừa qua, ông Chủ tịch thành phố Cần Thơ cho rằng sự điều chuyển không phải lý do trên mà có liên quan đến một vụ án khác, dẫu sao ông cũng đề nghị Công an Cần Thơ nhanh chóng kiểm tra lại cho rõ ràng, minh bạch, đến nơi, đến chốn, công bố kết quả với công luận.
Tuy nhiên, thật khó biện minh cho chuyện vị Đại úy này bị một trong số các đối tượng đánh bạc được thả đe dọa rằng phải “biến” khỏi Cần Thơ và sự thật diễn ra đúng như vậy. Chúng ta thường nhắc đến sự “tham nhũng quyền lực” và xác định thuộc tính của loại tham nhũng này. Nếu đúng như những gì đã xảy ra với vị Đại úy phá “sòng bạc thiếu gia” này thì đây là một dẫn chứng thuyết phục cho việc duy danh định nghĩa thuật ngữ trên.
Vừa qua, báo cáo công tác chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ đã được công bố. Tuy nhiên, những người tham gia xây dựng báo cáo này thừa nhận còn “lúng túng” trong việc “cho điểm” chỉ số tình trạng tham nhũng cấp tỉnh với lý do là các chỉ tiêu đặt ra để đánh giá còn bất cập. “Thang điểm” rõ ràng, tiêu chí cụ thể thì “áp điểm” mới chính xác được.
Cũng vì không xác định đúng tội danh từ đầu mà gây nên những làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Thành phố Hà Nội đang yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của Công an Chương Mỹ trong vụ bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm chứ không phải bị “dâm ô” như kết luận ban đầu. Đó là một bài học không nhỏ.
Xác định tên gọi đúng bản chất sự việc là tiền đề cho việc giải quyết đúng đắn sự việc đó!