Nhiều đổi mới cụ thể trong tổ chức thực hiện
Theo báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016- 2021 và Chương trình trọng tâm hàng năm để triển khai nhiệm vụ trên toàn thành phố.
Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ CCTP và giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện CCTP có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Trong công tác thi hành án dân sự, thành phố đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung CCTP đã tạo bước chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, hiệu quả và chất lượng. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay đã tiến hành thi hành xong 14.718 việc và hơn 1.148 tỷ đồng.
Còn công tác điều tra, xử lý tội phạm của thành phố đảm bảo khách quan, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Ngoài việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp đã được ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, Cần Thơ cũng luôn quan tâm đến hoạt động bổ trợ tư pháp. Đến nay, thành phố có 24 tổ chức hành nghề công chứng, 150 giám định viên, 11 tổ chức bán đấu giá tài sản và có 239 luật sư.
Các thành viên BCĐ CCTP TP Cần Thơ kiến nghị BCĐ CCTP Trung ương quan tâm mở các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cán bộ tư pháp định kỳ; đào tạo kiến thức bổ trợ về tin học, ngoại ngữ, nhất là cho lực lượng điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, thẩm phán, công chứng viên... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phân bổ kinh phí đào tạo, mua sắm trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao việc quan tâm thực hiện của TP Cần Thơ trong công tác CCTP. Theo Thứ trưởng, công tác CCTP của Cần Thơ đã triển khai, tổ chức thực hiện khá bài bản, bám sát mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết số 49-NQ/TW và các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, CCTP và Chương trình của BCĐ CCTP Trung ương, đã có nhiều đổi mới cụ thể trong tổ chức thực hiện tại địa phương.
Về công tác thi hành án dân sự, Thứ trưởng biểu dương Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành phố có lượng án phải thi hành tăng nhanh về số lượng công việc nhưng hàng năm đều hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao. Bên cạnh đó, công tác luật sư, công chứng trên địa bàn thực hiện khá bài bản, đội ngũ luật sư khá hùng hậu. Đáng chú ý, trong lĩnh vực công chứng đã hoàn thành chuyển đổi các phòng công chứng sang văn phòng công chứng. Số vụ việc trợ giúp pháp lý lớn, công tác kiểm tra, xây dựng ban hành văn bản thực hiện tốt.
Bộ trưởng Tô Lam phát biểu tại buổi làm việc |
Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao
Thay mặt Đoàn công tác phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá cao công tác triển khai, thực hiện CCTP của thành phố cũng như quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược CCTP của Cần Thơ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Thành ủy Cần Thơ cần tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội XII; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCTP đã nêu trong Nghị quyết số 49- NQ/TW, các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, CCTP và chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 39- NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Các cấp ủy Đảng thì cần bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên đối với công tác tư pháp, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch Thành ủy đã ban hành về tổ chức thực hiện các nội dung Chiến lược CCTP…
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác CCTP tại địa phương, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Cần Thơ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm...
Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và nhân dân cần xây dựng, tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình giám sát chuyên đề đối với công tác của các cơ quan tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tư pháp... Ngoài ra, tổ chức thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hoạt động tư pháp và CCTP, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân.