Sau vài lần liên lạc, cuối cùng tôi cũng tìm đến được nhà Anh hùng La Văn Cầu. Dẫu là thương binh nặng, qua mấy lần phẫu thuật và ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Quả thật, đọc sách báo và xem phim ảnh tôi được biết ông đã lâu, nhưng khi đối diện với ông, được nghe những kỷ niệm về một thời máu lửa, tôi mới cảm nhận rõ dũng khí, nghị lực toát lên từ ánh mắt và nụ cười của ông.
Nghe tôi gợi chuyện, ông bảo: “Kỷ niệm về tình đồng đội trong chiến đấu rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai, từ ngày 16 đến 18/9/1950”. Và ông đã dành cho tôi trọn buổi sáng để kể về kỷ niệm với những người đồng đội đã anh dũng ngã xuống cho sự bình yên của mọi người, mọi nhà hôm nay.
Trong trận đánh này, ông được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Đây là lô cốt to và rất kiên cố, có tầm khống chế hỏa lực rất rộng. Chính lô cốt này đã gây tổn thất cho ta rất nhiều. Bởi thế, muốn lấy lại được Đông Khê thì việc đầu tiên của chúng ta là phải tiêu diệt được lô cốt mẹ này.
Tổ bộc phá do ông chỉ huy có 5 người. Trước khi ra mặt trận, ông tranh thủ cùng anh em trong tổ bộc phá bàn bạc, thảo luận tìm cách tiếp cận và tiêu diệt lô cốt mẹ. Sau khi thống nhất được cách đánh, ông cùng các thành viên trong tổ đều tỏ rõ quyết tâm làm nhiệm vụ đến phút cuối cùng, dù phải hy sinh.
Ông nói: “Lúc đó, chúng tôi đề ra 4 quyết tâm. Thứ nhất là, còn một người cũng phải chiến đấu đến phút cuối cùng. Thứ hai là, trái tim còn đập, còn chiến đấu. Thứ ba là, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thứ tư là, phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật chiến trường. Đó được coi như những lời thề thiêng liêng của người lính trận”.
Anh hùng La Văn Cầu thời trẻ |
Không chỉ vậy, tổ bộc phá của ông còn gom mìn của địch chôn ở chân hàng rào, rồi kích cho mìn nổ. Phá được hàng rào thép gai của địch, nhưng hỏa lực từ lô cốt mẹ và các lô cốt con vẫn bắn rát làm cho lực lượng của ta rất khó tiếp cận trong chiến đấu. Thấy địch tập trung hỏa lực về phía đội hình chiến đấu của tổ, ông vội hỏi các tổ viên xem có ai bị thương, nhưng mọi người đều báo cáo là vẫn bình an vô sự.
Ông La Văn Cầu nhớ lại: “Lúc đó, tôi biết có đồng chí bị thương nhưng anh ấy không báo cáo thật, sợ chúng tôi lo lắng, mất tinh thần chiến đấu. Thấy anh em ai cũng quyết tâm cao độ, tôi hô mọi người xung phong… Tuy nhiên, khi vượt lên cửa mở một đoạn thì hai chiến sĩ của tổ bộc phá trúng đạn, bị thương nặng. Biết không thể tiếp tục chiến đấu được, hai đồng chí ấy nắm chặt tay tôi bảo rằng: “Chúng tôi bị thương nặng không tiếp tục nhiệm vụ nữa. Các anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và trả thù cho chúng tôi”.
Dù thương đồng đội lắm nhưng vì nhiệm vụ phía trước, chúng tôi tiếp tục chiến đấu để trả thù cho các anh. Rồi chúng tôi lợi dụng góc chết, tiến về phía lô cốt địch. Khi còn cách lô cốt khoảng 15 bước thì hai đồng đội của tôi bị địch bắn trúng đã hy sinh. Chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, tôi cảm thấy thương các anh quá, đến ôm hôn hai người đồng chí. Lòng căm thù cứ thôi thúc tôi bằng giá nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong đêm tối, địch từ lô cốt vẫn bắn ra xối xả. Niềm sót thương và những lời nhắn nhủ của các đồng đội cứ vang lên trong tâm trí ông. Thế rồi ông vừa cơ động trong các giao thông hào, vừa né đạn. Trong ánh lửa đạn, phát hiện thấy bóng người, bọn địch trong lô cốt hô “A-la-xô Việt Minh”.
Mặc cho đạn bay vèo veo bên tai, ông vẫn áp sát lô cốt mẹ. Khi gần đến nơi thì ông bị trúng đạn làm nát cánh tay phải và má phải, khiến ông bị ngã nhào xuống và ngất đi. Đến khi tỉnh lại, ông thấy một bên mình tê cứng, cánh tay phải lủng lẳng, má phải bị đạn xuyên thủng và mất một mảng thịt, quả bộc phá cũng bị văng cách đó vài mét nằm trên miệng giao thông hào.
Nhớ đến đồng đội, nhớ đến nhiệm vụ và những lời thề của cả tổ trước lúc ra trận, ông cố nén đau, bò theo giao thông hào rồi nhoài người với tay trái lấy quả bộc phá ôm vào người, rồi tiến nhanh về phía lô cốt. Nhưng rồi, cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng khiến ông cảm thấy đau đớn và khó khăn trong khi cơ động. Một ý nghĩ trong đầu lóe lên: phải chặt cái tay bị thương. Thế rồi ông liền quay xuống tìm đồng đội nhờ chặt tay.
Trên đường quay trở lại, ông gặp và nhờ đồng chí Tiểu đội trưởng Tiểu đội Xung kích giúp thực hiện ý nguyện của mình. Nghe đồng đội nhờ chặt tay, đồng chí tiểu đội trưởng lấy làm ngạc nhiên và bảo ông quay xuống để y tá băng bó. Phải giải thích mãi, đồng chí Tiểu đội trưởng mới hiểu và đành giúp ông toại nguyện.
Sau đó, ông quay lên chỗ giấu bộc phá, tiếp tục áp sát lô cốt. Chỉ với một tay trái, ông gắng xách quả bộc phá nặng 12kg, vượt qua các giao thông hào. Có lần ông nhảy hụt, rơi xuống hào, lăn lông lốc. Mặc cho máu từ vết thương chảy đẫm tay áo, đau điếng và hỏa lực địch bắn rát, ông vẫn cố trườn lên phía trước tiếp cận mục tiêu. Cứ nghĩ đến đồng đội, ông lại cắn răng nén đau, ôm bộc phá nhích dần đến gần chân lô cốt dưới làn đạn của địch.
Tới lô cốt, ông lấy quả lựu đạn, dùng răng rút chốt, ném vào trong lô cốt địch. Lựu đạn nổ, nhưng súng của địch vẫn không ngừng nhả đạn về phía ta. Chờ lúc địch trong lô cốt lắp đạn, ông bất ngờ lao tới, đút quả bộc phá vào lỗ châu mai. Thấy bộc phá, địch không dám bắn vì sợ bộc phá nổ mà chỉ dùng báng súng đẩy ra. Vì còn có một tay nên lần đầu địch đẩy được quả bộc phá ra. Không nản lòng, ông lại ấn tiếp quả bộc phá vào lỗ châu mai, rồi dùng chân giữ. Tiếp đó, ông giật nụ xòe, rồi nhanh chóng chạy ra xa, được một đoạn thì quả bộc phá nổ phá tan lô cốt, tiêu diệt toàn bộ quân địch bên trong.
Do sức ép của quả bộc phá nên ông bị ngất đi. Khi tỉnh lại, ống thấy bóng đồng đội xung phong vượt qua cửa mở, tiến công địch mà lòng vui sướng khôn xiết, vì mục tiêu nguy hiểm nhất của Đông Khê đã bị tiêu diệt. Sau đó, ông tìm chỉ huy đại đội xin cấp trên cho phép tiếp tục chiến đấu, nhưng không được đồng ý và ông phải về ngay tuyến sau để quân y điều trị.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang La Văn Cầu kể chuyện với chiến sĩ trẻ về hành động tự chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu |
Ông bảo: “Tôi và các đồng đội may mắn trở về, có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ có sự đoàn kết, gắn bó, không tiếc máu xương của các đồng đội đã ngã xuống. Bởi thế, tôi luôn tự nhủ mình phải sống tốt, sống có ích”.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã thanh bình, Anh hùng La Văn Cầu đã nghỉ hưu và trở về với đời thường. Điều mà tôi cảm phục ở ông là dù mang trên mình rất nhiều thương tích, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng ông luôn chan hòa với mọi người, gương mẫu, hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, phát huy phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”. Sự dũng cảm, đức hy sinh, tình đồng đội trong sáng, thủy chung của ông mãi là biểu tượng cao đẹp, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.