BBC đưa tin, các nhà Ai Cập học đã kết hợp với chuyên gia về loài rắn để kiểm tra giả thuyết nữ hoàng Cleopatra bị một con rắn hổ mang náu mình ở giỏ quả sung cắn chết. Theo nhóm nghiên cứu, một con rắn đủ lớn để gây ra cái chết cho nữ hoàng và hai thị nữ không thể nấp vừa trong giỏ. Họ cũng nghi ngờ tính xác thực của ba phát cắn chết người diễn ra liên tiếp.
Cleopatra trị vì Ai Cập từ năm 51 đến năm 30 trước Công nguyên và qua đời ở tuổi 39. Cuộc đời vị nữ hoàng xinh đẹp và thông minh này bị cuốn vào những cuộc chiến tranh quyền lực của đế chế La Mã.
Theo lưu truyền của người La Mã, Cleopatra tự kết liễu cuộc đời mình bằng vết cắn chí mạng của một con rắn độc. Tuy nhiên, nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley và Andrew Gray, phụ trách khu vực bò sát ở Bảo tàng Manchester, nhận định rắn hổ mang có kích thước quá lớn để che giấu.
Rắn hổ mang thường dài 1,5 – 1,8 m và có kích thước tối đa 2,5 m. Theo các chuyên gia, một con rắn lớn như vậy rất khó giấu kín. Ngay cả trong trường hợp con rắn được đưa vào cung một cách bí mật, nó hầu như không thể giết chết Cleopatra và hai thị nữ bằng những phát cắn nhanh liên tiếp.
"Khả năng chết người do rắn cắn chỉ là 10 %. Phần lớn các trường hợp là vết cắn khô không lan truyền nọc độc. Chúng tôi không phủ nhận rắn hổ mang khá nguy hiểm. Nọc độc của chúng gây hoại tử và sẽ làm chết người, nhưng theo cách rất chậm. Những con rắn sử dụng nọc độc để bảo vệ bản thân và săn mồi. Chúng sẽ giữ nọc độc và chỉ sử dụng khi cần. Do đó, không thể sử dụng một con rắn để giết liên tiếp 2 - 3 người", Ray cho biết.