Phát hiện Phó chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) dùng bằng giả

(PLO) - Người dân xã Hồng Kỳ “tố” ông  Nguyễn Ngọc Giao, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sử dụng bằng giả để “thăng quan tiến chức” và truy lĩnh một số tiền không nhỏ từ tấm bằng này.
Viện Đại học Mở Hà Nội khẳng định bằng Đại học của ông Nguyễn Ngọc Giao không phải bằng do nhà trường cấp

Phản ảnh tới đường dây nóng báo Pháp luật Việt Nam, một số người dân xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bức xúc cho biết việc sử dụng bằng giả của ông Giao rất nhiều người biết.

Anh H.V.T, một người dân xã Hồng Kỳ nói: "Tôi rất bất ngờ trước thông tin ông Giao có bằng cử nhân Luật. Là người cùng trang lứa, thường xuyên tiếp xúc với nhau nhưng tôi chưa hề nghe thấy ông Giao đi học bất cứ hệ đào tạo nào của các trường đại học”.

Còn theo anh N.M.H, một người từng theo học hệ đào tạo từ xa của trường ĐHM tại khu vực này thì “Trước đây ông Giao có đăng ký học sau tôi một khóa, nhưng sau đó không thấy tham gia các buổi học. Ngay sau đó 01 năm, biết ông Giao đã được cấp bằng, tôi cũng nghi ngờ đây là bằng giả vì khóa học tôi tham dự được đào tạo trong 04 năm, không thể có bằng nhanh như vậy”.

Phóng viên PLVN đã xác minh, tìm hiểu thì được biết ông Nguyễn Ngọc Giao (SN 23/10/1961) có một tấm bằng tốt nghiệp cử nhân Đại học được nhận ngày 20/10/2012 thuộc hệ đào tạo từ xa của Viện Đại học Mở Hà Nội (tốt nghiệp ngành Luật, xếp loại Khá). Bản sao công chứng văn bằng được Phòng tư pháp huyện Sóc Sơn xác nhận. 

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với phóng viên PLVN, đại diện Viện Đại học Mở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Bính, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế khẳng định: “Nhà trường đã tra cứu các thông tin từ văn bằng của người tên Nguyễn Ngọc Giao, nhưng không có hồ sơ lưu tại trường, chứng tỏ đây không phải bằng do nhà trường cấp”.

Sau đó, Viện Đại học Mở Hà Nội có công văn số 58/ĐHM-ĐT gửi Báo PLVN, trong đó khẳng định: năm 2012, Viện Đại học Mở Hà Nội không đào tạo ngành Luật hệ từ xa, chỉ đào tạo ngành Luật kinh tế hệ từ xa. Vào thời điểm ông Giao được cấp bằng, PGS.TS Phạm Minh Việt (theo người ký cấp bằng) đã nghỉ quản lý được 02 năm. Ngày 8/10/2010, TS Lê Văn Thanh đã được Bộ GDĐT bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên PLVN ngày 30/6, ông Nguyễn Minh Chiến - Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ xác nhận, việc ông Giao (Nguyễn Ngọc Giao - Phó chủ tịch UBND xã) sử dụng bằng giả là có thật. "Ngày 29/06 vừa qua, Đảng ủy xã cùng Ủy ban kiểm tra huyện ủy Sóc Sơn đã họp và thống nhất các nội dung liên quan đến bằng cấp của ông Giao".

Còn ông Đỗ Thế Thọ - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Hồng Kỳ cũng xác nhận biết việc ông Giao dùng bằng giả nhưng "ông Giao đang đi chữa bệnh nên chúng tôi chưa lấy ý kiến về vụ việc này, tuy nhiên Ủy ban kiểm tra đã xác minh nội dung cụ thể. Sai phạm đến đâu pháp luật sẽ xử lý đến đó", ông Thọ cho biết.

Thời gian qua, quần chúng nhân dân đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, bằng rởm trong các cơ quan chính quyền cấp xã như trường hợp ông Giao và các trường hợp sử dụng bằng giả, bằng rởm đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Vậy, Đảng uỷ, UBND huyện Sóc Sơn sẽ xử lý vụ việc trên như thế nào?

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin. 

Đọc thêm